Đề nghị đó đã bị từ chối khi giới chức Indonesia ngay sau đó tổ chức một cuộc họp báo để bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc. Động thái này có thể cho thấy rõ tính chất nghiêm trọng của vấn đề bởi trước khi xảy ra sự việc, Indonesia chủ yếu đứng ngoài các tranh chấp giữa Trung Quốc với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên Biển Đông.
Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc bùng phát khi ngày 19/3 các tàu tuần duyên của Indonesia phát hiện một tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.
Các tàu của Indonesia đã truy đuổi và giữ chiếc tàu cá của Trung Quốc lại. Trong quá trình lai dắt chiếc tàu cá này để xử lý, một chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp cận và tìm cách đâm va vào tàu của Indonesia.
Sau đó, một chiếc tàu hải cảnh khác của Trung Quốc có kích thước lớn hơn xuất hiện và phía Indonesia quyết định thả chiếc tàu cá của Trung Quốc đi.
Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti cho rằng, các tàu của Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu Indonesia lai dắt chiếc tàu đánh cá trái phép về xử lý để tránh việc chiếc tàu này bị phía Indonesia đánh chìm sau đó.
Các quan chức Indonesia cho biết, Chính phủ nước này không muốn làm to chuyện nhưng buộc phải làm như vậy vì hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích nghiêm trọng và mang hơi hướng mô-típ xử lý ngày càng quyết đoán mà Bắc Kinh đã áp dụng với các nước khác trong tranh chấp ở Biển Đông.
Cần phải nhớ rằng, Indonesia có truyền thống tránh công khai các sự cố ở khu vực Biển Đông khi họ tìm cách giữ gìn các mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, khi mà Trung Quốc đã làm mất lòng với nhiều nước trong khu vực, đương nhiên, Bắc Kinh có nhu cầu về sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt khi họ đang chuẩn bị đón nhận một phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở La Hay về tính pháp lý đối với yêu sách chủ quyền ở Biển Đông trong vụ kiện của Philippines.
Theo Bloomberg, các quan chức Indonesia đề nghị giấu tên vì tính chất nhạy cảm của vụ việc trong khi Đại sứ quán Trung Quốc không trả lời 4 cuộc điện thoại và 2 email của Bloomberg về cuộc gọi “nhạy cảm” mà quan chức Indonesia đề cập.
Quan hệ hài hòa
Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Ishak ISEA-Yusof, Singapore nhận định: “Trước đây mỗi khi xảy ra sự cố tương tự như thế này, Indonesia có xu hướng đánh giá thấp nó hoặc thậm chí xem xét chúng trong những lợi ích của việc duy trì quan hệ hài hòa với Trung Quốc. Nhưng khi Trung Quốc bắt đầu cho tàu Cảnh sát biển vào thực thi quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, Jakarta không còn lựa chọn nào khác là phải công khai hành động này và tìm cách đẩy lùi hành vi leo thang của Bắc Kinh”.
Trung Quốc là đối tác thương mại song phương lớn nhất của Indonesia và Tổng thống Joko Widodo luôn muốn tận dụng mối quan hệ này để có nguồn tài trợ cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. (Ảnh: Reuters)
Nhận thức được điều này, Trung Quốc đã và đang không ngừng đầu tư vào Indonesia, đến cuối năm 2015, Trung Quốc chính là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Indonesia và dự kiến tiếp tục duy trì vị trí này trong 5 năm kế tiếp.Trong khi đó, Trung Quốc cũng mong muốn tạo ra một con đường tơ lụa trên biển dẫn tới Trung Đông và châu Âu để bổ sung, làm hồi sinh con đường tơ lụa trên bộ. Để thực hiện điều này, một mắt xích quan trọng không thể thiếu chính là Indonesia.
Tuy có lợi ích hài hòa như vậy nhưng sau vụ va chạm ở khu vực quần đảo Natuna của Indonesia, Jakarta vẫn phải lên tiếng, khi công khai chỉ trích hành động của các tàu Trung Quốc là “vi phạm chủ quyền trên biển của Indonesia”.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti ngày 21/3 cho rằng, Indonesia có cảm giác “bị phá hoại” khi đang nỗ lực duy trì hòa bình ở Biển Đông và có thể đưa vụ tranh chấp hàng hải mới nhất với Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Jakarta, Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti nói: “Indonesia đã có nhiều năm theo đuổi và thúc đẩy hòa bình ở Biển Đông. Vụ việc xảy ra mới đây khiến chúng tôi cảm thấy những nỗ lực của mình bị phá hoại và làm gián đoạn”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết: “Chúng tôi đã nói với đại diện Ngoại giao của Trung Quốc rằng, mối quan hệ giữa hai nước là rất tốt và trong vấn đề này, tất cả chúng ta nên tôn trọng luật pháp quốc tế. Tôi nhấn mạnh rằng, Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, vì vậy chúng tôi đang yêu cầu làm rõ vụ việc”.
Mặc dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh vẫn nói “cứng” khi cho rằng, sự việc diễn ra trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc” và tố ngược chính tàu Trung Quốc đã bị tàu Indonesia có vũ trang “tấn công và quấy rối”.
Không có chuyện Indonesia để Trung Quốc lấn lướt
Bác bỏ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti mô tả tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng khu vực biển xung quanh quần đảo Natuna là “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái, không được luật pháp quốc tế công nhận, trong có bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Ngoại trưởng Indonesia Marsudi cho rằng, có ba lý do khiến Indonesia không thể làm ngơ trước vụ việc này.
Thứ nhất, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền tài phán ở khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Indonesia. Thứ hai, tàu Trung Quốc đã can thiệp vào hoạt động thực thi pháp luật của tàu Indonesia trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này. Thứ ba, tàu hải cảnh Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ trên biển của Indonesia.
Vùng biển của Indonesia trở thành mục tiêu của các hoạt động đánh bắt cá trái phép khi nguồn hải sản ở các đại dương ngày càng khan hiếm. Theo ước tính, Indonesia phải chịu thiệt hại hàng nghìn tỷ rupiah mỗi năm vì hoạt động đánh bắt trái phép.
Theo Reuters, trong quá khứ, Trung Quốc và Indonesia từng vướng vào những sự cố tương tự, bao gồm cả vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc buộc tàu tuần tra của Indonesia thả một tàu cá của nước này đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia hồi năm 2010.
Kể từ năm 2014, Indonesia phát động chiến dịch truy quét nạn đánh cá bất hợp pháp. Nước này cho nổ và đánh chìm nhiều tàu thuyền nước ngoài bị cáo buộc đánh bắt cá không có giấy phép.
Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti thường tuyên bố rằng, đánh bắt cá trái phép là hành vi phạm tội, xúc phạm chủ quyền của các quốc gia, vì vậy hành vi này cần phải được loại bỏ.
Phản ứng rõ ràng thể hiện lập trường nhất quán của Chính phủ Indonesia trong sự cố mới nhất ngày 19/3 đã được nhiều nghị sỹ của Quốc hội Indonesia đồng tình ủng hộ.
Chủ nhiệm Ủy ban I (phụ trách các vấn đề đối ngoại và quốc phòng) của Hạ viện Indonesia, Mahfudz Siddiq cho biết: “Tôi ủng hộ việc Chính phủ Indonesia thông qua Bộ Ngoại giao bày tỏ quan điểm của chúng tôi với phía Trung Quốc. Trường hợp này rõ ràng là sự vi phạm nghiêm trọng”.
Nghị sĩ Tantowi Yahya của đảng Golkar cho biết, Chính phủ đã thực hiện những bước đi đúng đắn bằng cách gửi các cảnh báo và thông điệp rõ ràng. Ông cũng hy vọng rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ có phản ứng thích hợp để cho thấy sự tôn trọng lẫn nhau.
Trong khi đó, chuyên gia luật quốc tế của Trường Đại học Indonesia Hikmahanto Juwana cho rằng, lý do mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra để biện minh rằng, các tàu Trung Quốc hoạt động trên “ngư trường truyền thống” là hoàn toàn không có căn cứ.
“Vụ việc này hoàn toàn có thể khiến Chính phủ Indonesia thay đổi quan điểm chỉ đứng ở vị trí trung gian hòa giải trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Chính phủ Indonesia thậm chí có thể thực hiện việc đánh giá lại mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương với Trung Quốc, bao gồm các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và các khoản vay”, ông Hikmahanto cảnh báo./.
Ý kiến ()