Thứ Tư, 27/11/2024 08:34 (GMT +7)

Internet là chất xúc tác để doanh nghiệp tiếp cận thị trường

Thứ 4, 11/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A
Quang cảnh hội thảo.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu về “Internet và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và nhóm hỗ trợ của Công ty Google châu Á Thái Bình Dương, Internet mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ vì nó giúp giảm chi phí giao dịch và tạo ra sân chơi bình đẳng.

Tại hội thảo công bố nghiên cứu “Internet, thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” vừa được tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra rằng Internet mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ đặc biệt trong bối cảnh TPP đang được Chính phủ Việt Nam cân nhắc xét duyệt.

Lợi ích của Internet cho các doanh nghiệp bao gồm giảm các chi phí vận hành, giảm thiểu các khâu trung gian, cung cấp các công cụ quảng bá thông tin, hình ảnh phong phú với chi phí thấp, mở rộng các kênh truyền thông và tiếp cận khách hàng mới với hiệu quả. Đối với công cuộc hội nhập, Internet cũng là chất xúc tác để các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận tới các thị trường quốc tế và các khách hàng tiềm năng.

Với mạng lưới rộng lớn, các doanh nghiệp có thể tương tác với nhau, kết nối mạng lưới sản xuất, tìm các nguồn đầu tư có lợi đồng thời phát triển các mối quan hệ với khách hàng.

Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: “Nghiên cứu giúp hiểu rõ vai trò của công nghệ thông tin và Internet trong sự thành công của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Không phải là điều quá bất ngờ khi nghiên cứu này xác nhận giả thiết rằng Internet đã đóng vai trò quan trọng trong sự thành công này. Trên thực tế, một bộ phận lớn của nền kinh tế Việt Nam liên quan đến xuất khẩu, Chính phủ và khu vực tư nhân có thể cần tập trung hơn vào lĩnh vực này. Những doanh nghiệp chủ chốt nhất trong nền kinh tế cũng nên tận dụng lợi thế của Internet để phát triển doanh nghiệp của mình và đồng thời hiện đại hóa nền kinh tế của chúng ta. Chính phủ nên thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, đảm bảo các giao dịch thương mại điện tử an toàn.”

Nghiên cứu của CIEM cũng đồng thời chỉ ra rằng các doanh nghiệp có website hoặc các site vệ tinh thương mại thường có tốc độ phát triển nhanh gấp hai lần so với các doanh nghiệp không có website hoặc website đang ngừng hoạt động.

Về phía Google, đánh giá về môi trường thương mại điện tử tại Việt Nam, giám đốc Chính sách công và quan hệ Chính phủ Việt Nam Alex Long cho hay: “Các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao việc sử dụng internet để tiết kiệm chi phí, vươn tới những thị trường mới và nâng cao công suất lao động. Google mong rằng có thể hợp tác với các tổ chức như CIEM, và với hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam khác để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tận dụng được tối đa lợi ích kinh tế từ internet”./.

Thu Hương (Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu