Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 03:20 (GMT +7)
Khai thác tiềm năng thị trường cà phê rang xay, hòa tan
Thứ 7, 14/11/2020 | 10:03:00 [GMT +7] A A
Tuy là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới (sau Brazil) nhưng giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam còn ở mức thấp, bởi sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, còn thị trường cà phê rang xay, hòa tan chưa được khai thác đúng mức. Chính vì thế, chiến lược của ngành cà phê Việt Nam trong thời gian tới là đẩy mạnh sản xuất cà phê rang xay, hòa tan để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tiềm năng từ thị trường xuất khẩu
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê đến hơn 80 thị trường trên thế giới. Trong đó, Đức và Hoa Kỳ là hai thị trường dẫn đầu với lượng nhập khẩu trên 10% cà phê của Việt Nam, xếp sau lần lượt là các thị trường Tây Ban Nha, Ý và Nhật Bản.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam chia sẻ thông tin tại Chương trình đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành cà phê Việt Nam, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 12 -13/11.
Tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (riêng cà phê Robusta, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu khoảng hàng năm đạt khoảng 11,6 -11,8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,6 – 2,8 tỷ USD), thế nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, là loại cà phê chưa qua chế biến. Các loại khác bao gồm cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu giữ mức thấp, khi tổng tỷ trọng 2 loại này chỉ ở mức trên dưới 5%.
Trong khi đó, theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, cà phê rang xay, hòa tan hiện đang được các nước trên thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, khi nền kinh tế của toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn không hề giảm mà ngày càng tăng. Việt Nam cũng không ngoại lệ, xu hướng tiêu dùng cà phê trong nước cũng tăng mạnh. Đối với xuất khẩu, cà phê rang xay, hoà tan cũng đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng nên kim ngạch xuất khẩu cũng tăng theo, chiếm 12% trong tổng lượng xuất khẩu cả phê cả nước.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, cho biết theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài, tiêu thụ cà phê hòa tan trên thế giới tăng trưởng mạnh trong những năm qua cũng như trong thời gian tới. Số liệu gần đây cho thấy, cà phê hòa tan chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam đang có cơ hội sẽ trở thành quốc gia sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu thế giới do sở hữu nguồn cà phê Robusta dồi dào, là nguyên liệu chính để chế biến cà phê hòa tan.
Dự kiến năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 1,3 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 2 tỷ USD. “Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ngành cà phê đang cố gắng sẽ xuất khẩu bằng năm ngoái với 1,6 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ USD. Nếu có giảm thì chỉ giảm ít, nhưng lượng xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan phải tăng thêm trong sản lượng xuất khẩu”, ông Lương Văn Tự cho biết thêm.
Theo ông Lương Văn Tự, từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, cà phê hòa tan xuất khẩu vào EU được hưởng thuế xuất bằng 0% so với mức từ 10 – 20% trước đây, là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp cà phê. Mức thuế mới tạo lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cà phê hòa tan vào thị trường lớn này.
Đến thị trường nội địa
Không chỉ đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành cà phê Việt Nam còn muốn mở rộng thị trường nội địa. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 500.000 quán cà phê, bao gồm các chuỗi quán, quán cà phê lẻ, quán cà phê vỉa hè… tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…
“Đáng chú ý, người tiêu dùng cà phê Việt Nam ngày càng có xu hướng tiêu dùng cà phê nguyên chất. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu dùng cà phê của người dân Việt Nam vẫn còn thấp. Theo số liệu công bố năm 2018 – 2019, Việt Nam tiêu thụ khoảng 162.000 tấn cà phê. Tuy nhiên, so với 5 – 10 năm trước, tỷ lệ tiêu thụ cà phê nội địa chỉ đạt khoảng 6 -7% sản lượng cả nước với 0,5kg/người/năm. Đến nay, tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam đã tăng mạnh trên dưới 13% sản lượng, tương đương khoảng 200.000 tấn/năm với khoảng 2kg/người/năm”, ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ.
Mặt khác, trước đây sản phẩm cà phê tiêu thụ nội địa chỉ có ít thương hiệu doanh nghiệp trong nước như Vinacaphe Biên Hoà, Trung Nguyên, Phuơng Vy… Chỉ gần 5 năm gần đây, cùng với sự phát triển tiêu thụ cà phê nội địa thì hàng loạt các thương hiệu cà phê Việt Nam xuất hiện và được người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, 2 công ty cà phê là Intimex và Tín nghĩa đã đầu tư 30 triệu USD để xây dựng hệ thống nhà máy cà phê rang xay, hoà tan, tạo nguyên liệu và sản phẩm chất lượng cho thị trường nội địa.
Theo ông Lương Văn Tự, điều này minh chứng các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã dần chú trọng đến thị trường nội địa hơn. Tuy nhiên, để phát triển thị trường cà phê nội địa và xuất khẩu bền vững, chiến lược ngành cà phê trong thời gian tới xác định sang thời kỳ mới, không tăng diện tích mà tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đẩy mạnh xuất khẩu theo Hiệp định thương mại mới là mở rộng thị trường cà phê rang xay, hòa tan Việt Nam. Vì thế, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cà phê tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cà phê rang xay hoà tan và những sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu không chỉ 3 tỷ USD mà sẽ tăng gấp đôi là 6 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, trong đó xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan tăng 30%.
Để đạt được điều này, theo ông Nguyễn Nam Hải, các doanh nghiệp cần phải đầu tư đầu tư khâu chế biến, chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá và đẩy mạnh mở rộng thị trường. Điển hình như Intimex, Tín Nghĩa, An Thái, Việt Mỹ… đã xây dựng nhà máy cà phê rang xay, hoà tan trong thời gian vừa qua; chưa kể, các doanh nghiệp đầu tư những máy rang xay nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp không nên chạy theo số lượng xuất khẩu lớn mà có thể tập trung đẩy mạnh xuất khẩu theo đơn hàng nhỏ nhưng thuộc đặc sản chất lượng cao, giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra, đồng thời nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp cụ thể. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao; thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu; tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.
https://baotintuc.vn/kinh-te/khai-thac-tiem-nang-thi-truong-ca-phe-rang-xay-hoa-tan-20201113115043114.htm
Ý kiến ()