Lâu nay, hướng dương vẫn được biết đến là loài hoa ưa thích ánh sáng Mặt Trời đúng như tên gọi của chúng.
Để trả lời câu hỏi vì sao loài hoa này có thể xoay chuyển từng giây từng phút theo hướng đi của Mặt Trời từ Đông sang Tây, các nhà khoa học Mỹ đã công bố kết quả công trình nghiên cứu cho thấy loài hoa này không chỉ chăm “vận động” vào ban ngày, mà chúng còn xoay chuyển một góc 180 độ vào ban đêm để kịp đón những tia sáng đầu tiên khi Mặt Trời thức giấc.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ở loài hoa đặc biệt này có một sự kết nối giữa gen đồng hồ sinh học nội tại và sự tăng trưởng của thân cây, theo đó vào ban ngày, phần thân cây phía Đông tăng trưởng nhanh hơn phần thân phía Tây, do đó khiến thân cây nghiêng dần về phía Tây đón ánh Mặt Trời. Trong khi đó, trạng thái tăng trưởng trái ngược xảy ra vào ban đêm, giúp hoa hướng dương quay trở lại phía Đông kịp lúc đón Mặt Trời mọc.
Theo các nhà nghiên cứu, ở những cây hướng dương trưởng thành, gen đồng hồ sinh học chấm dứt hoàn toàn trạng thái tăng trưởng trên và điều này giải thích vì sao những bông hoa trưởng thành luôn quay mặt về phía Đông. Trạng thái này đã giúp hoa hướng dương hấp thu nhiệt lượng của Mặt Trời vào buổi sáng một cách nhanh nhất và nhờ đó, khu vực tập trung hoa hướng dương trưởng thành có nền nhiệt độ ấm áp hơn, tăng sức hấp dẫn đối với các loài côn trùng thụ phấn lên gấp 5 lần.
Qua nghiên cứu này, các nhà khoa học chứng minh các yếu tố môi trường, ánh sáng và đồng hồ sinh học của từng loại cây tác động đến tăng trưởng và sức hấp dẫn côn trùng thụ phấn của của loài cây đó như thế nào.
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học California và Đại học Virginia phối hợp thực hiện và công bố trên tạp chí Science (Khoa học) ngày 4/8./.
Ý kiến ()