Đặt chân đến thành phố Hội An đúng vào dịp nơi đây đang tổ chức “Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 13 năm 2015,” trong ba ngày diễn ra giao lưu, du khách “no mắt” bởi nội dung rất phong phú và được tổ chức chu đáo đến từng chi tiết, bao gồm giao lưu hợp tác 12 năm Việt Nam-Nhật Bản; Hội thi tài hoa Nghề mộc; Đua thuyền Việt Nam-Nhật Bản-Du khách; trưng bày giới thiệu truyện tranh hoạt hình Nhật Bản; trải nghiệm mặc trang phục cosplay; giao lưu nghệ thuật Bonsai Hội An-Nhật Bản…
Đặc biệt tại Cầu Chùa (còn có tên gọi là Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều), được các thương nhân Nhật Bản xây dựng vào thế kỷ thứ 17, du khách trong và ngoài nước tấp nập đổ đến chiêm ngưỡng, từng dòng người xếp hàng theo hướng dẫn viên đi trên cây cầu cổ một cách trật tự và cẩn trọng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng giá trị kiến trúc của phố cổ Hội An là bề nổi, song tầng sâu của văn hóa phố cổ mới là “trầm tích” mà du khách cần khám phá và chiêm nghiệm.
Do đó, ngoài việc bảo tồn và tôn tạo vẹn nguyên kiến trúc của từng căn nhà, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân Hội An lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa của mình cho mọi thế hệ. Đó là nếp sống bình dị, thân thiện, coi trọng tình người hơn vật chất đơn thuần. Đấy chính là bí quyết níu giữ du khách của vùng đất cổ xưa này.
Ý kiến ()