Ngày 27/12, tại ấp Hiệp Phú, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Khu truyền thống Cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định; kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (19/12/1995-19/12/2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Dự lễ có ông Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh; giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh; các vị lão thành cách mạng, bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Khu truyền thống Cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của đồng bào, chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh tại Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định và những người có công lớn với vùng đất này trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ, để thế hệ mai sau luôn nhớ mãi, tri ân và tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, về mảnh đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kiên trung, anh hùng, bất khuất.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, sau nhiều lần cân nhắc và được sự đồng ý của các vị lão thành cách mạng, lãnh đạo thành phố xác định địa điểm phù hợp và có ý nghĩa nhất để xây dựng Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định nằm trong quần thể Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Chính nơi đây, các ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà, Tô Ký, Mai Chí Thọ và nhiều vị lão thành cách mạng đã từng bám trụ, hoạt động, chiến đấu và đây cũng chính là nơi hậu phương vững chắc, nơi lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy phong trào cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Dự án có tổng diện tích 13,5ha bao, gồm các hạng mục khu đền thờ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy, Thành ủy, những người có công lớn với Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định; nhà văn bia; khu hồ sen; khu cảnh quan đặc trưng Đông Nam Bộ; khu cảnh quan đặc trưng Tây Nam Bộ…
Việc xây dựng và khánh thành Khu truyền thống Cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng là lời tri ân sâu sắc và báo cáo Bác Hồ kính yêu, các anh hùng liệt sỹ về tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thành phố.
Đánh giá về ý nghĩa và giá trị của công trình này, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định hoàn thành nhất định sẽ góp phần rất quan trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh niên, thiếu nhi hôm nay và các thế hệ mai sau lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc, về Đảng, biết ơn công lao và sự hy sinh vô bờ bến của các bậc tiền nhân, của nhân dân Việt Nam.
Để phát huy giá trị của Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, ông Lê Thanh Hải đề nghị các cấp ủy trong toàn Đảng bộ thành phố, đặc biệt là Thành Đoàn thành phố triển khai nhiều hoạt động phong trào phong phú, sinh động để đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham quan, tìm hiểu nhằm hun đúc truyền thống cách mạng, lắng đọng hơn nữa về sự hy sinh của đồng bào, chiến sỹ để cảm nhận và tâm đắc ý nghĩa của hòa bình, độc lập, thống nhất và cuộc sống bình yên hôm nay.
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (19/12/1995-19/12/2015), thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lê Thanh Hải đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.
Địa đạo Củ Chi là một trong những kỳ tích lịch sử độc đáo có một không hai trên thế giới và nơi đây đã xây dựng địa đạo, vành đai diệt Mỹ. Mảnh đất này chính là hậu phương, là căn cứ của xứ ủy Nam Kỳ. Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn Gia Định; nơi đứng chân bám trụ chiến đấu của các đơn vị chủ lực, các đội Biệt động Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định sẵn sàng đột nhập, tiến công những mục tiêu đầu não của Mỹ-ngụy tại nội đô làm nức lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế.
Sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức gìn giữ, bảo tồn di tích lịch sử này. Để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu ngày càng tăng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố (nay là Bộ Tư lệnh thành phố) lập kế hoạch khôi phục, tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp và quy tập hiện vật, vũ khí, trang bị của Mỹ-ngụy đã sử dụng để hủy diệt căn cứ cách mạng ở Củ Chi trưng bày, phục vụ khách tham quan.
Theo yêu cầu của nhiệm vụ, năm 1994, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đổi tên từ “Xí nghiệp liên doanh Du lịch 87” thành “Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.”
Từ năm 1995 đến nay, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã đón tiếp và phục vụ gần 20 triệu lượt khách trong và người nước./.
Ý kiến ()