Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 21:24 (GMT +7)
Khi chân ngắn chói sáng giữa chân dài
Thứ 3, 26/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Bóng chuyền nữ thường được gọi là trò chơi của những cô gái chân dài. Nhưng kể từ năm 1998, khi bóng chuyền ra đời thêm vị trí libero (chuyên bước một, phòng thủ và không tấn công), những cô gái chân ngắn mới có cơ hội đến với sân chơi này và đó là trường hợp của Bùi Vũ Thanh Tuyền của CLB Ngân hàng Công thương (NHCT).
Để trở thành một tay đập giỏi trong làng bóng chuyền nữ Việt Nam ít nhiều cũng phải có chiều cao trên 1m75. Nhưng với Thanh Tuyền, sinh năm 1991, cô gái sinh ra ở Sài Gòn có chiều cao 1m65 nhưng rất mê bóng chuyền thì sao ? Chẳng sao cả, vị trí libero không phù hợp với những cô gái chân quá dài, nên 1m65 là lý tưởng. Vấn đề còn lại là năng khiếu, ý chí và lòng đam mê. Những thứ ấy Tuyền có thừa. Theo đánh giá của người được mệnh danh “mắt diều hâu” trên sân bóng chuyền – nhà báo Nguyễn Lưu, Thanh tuyền là 85% sức mạnh phòng thủ ở hàng sau, góp công lớn đưa NHCT lên ngôi vô địch Giải bóng chuyền nữ Quốc tế Cúp VTV Bình Điền 2016.
Bùi Vũ Thanh Tuyền – Libero số 1 của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Trái với gương mặt tập trung và đôi mắt rực lửa trên sàn đấu, Thanh Tuyền rất hay cười và khi trò chuyện cùng chúng tôi, cô đã bật mí những khó khăn tưởng chừng như đã ngáng bước mình theo nghiệp VĐV bóng chuyền. CLB không tuyển vì quá thấp, về nhà còn bị mẹ đánh đòn vì con theo nghiệp thể thao. Thanh Tuyền kể: “Tôi thích bóng chuyền từ nhỏ, năm lớp 9 tôi đánh bạo xin tuyển vào đội nữ Tân Bình TP.HCM nhưng không được nhận vì không đủ chiều cao. Tôi đành xin tập với đội mà không có bất cứ chế độ nào. Tôi thử chơi tấn công nhưng không ổn nên cứ dạt về phía sau, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của cô Huỳnh Kim Anh Thư (nay làm trợ lý cho thầy Thượng ở đội trẻ VTV BĐLA) tôi trở thành libero lúc nào không biết.”
Năm 2008, Thanh Tuyền tham dự một giải trẻ cho TP.HCM nhưng vẫn chẳng thấy gam màu tia hy vọng nào cho tương lai. Thanh Tuyền nói: “Không hiểu sao tôi mê bóng chuyền đến vậy. Nghĩ lại cũng thấy buồn vì cùng thi đấu với đồng đội nhưng tôi chẳng có chế độ gì và đương nhiên nếu có rủi ro gì thì tôi cũng phải tự chịu.” Tuổi thơ của Thanh Tuyền và em gái mình là chuỗi ngày buôn ba cùng mẹ. Mẹ cô quần quật tối ngày bên quán cơm bình dân sau đó là tiệm cắt tóc để lấy tiền nuôi con ăn học. Em gái Thanh Tuyền học rất giỏi và đang theo ngành y. Xót xa nhìn con gái lớn xao nhãng học hành với tương lại mịt mờ, mẹ Thanh Tuyền phản đối gay gắt cô đến với bóng chuyền, thậm chí đánh đòn rất đau. Những Thanh Tuyền cứ vững bước để trở thành một VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp.
Rồi niềm vui cũng đến khi năm 2009, Thanh Tuyền được CLB Vietso Petro mời về. Dưới sự huấn luyện của chuyên gia người Nga Diva Aleksey, lại được thi đấu cọ xát thường xuyên Thanh Tuyền bắt đầu cho thấy sự tiến bộ. Nhưng cô nói: “Việt Nam hầu như không có HLV chuyên trách libero nên khi ở Vietso Petro ngoài sự hướng dẫn của chuyên gia, tôi phải tự tìm tòi trên Internet và xem các trận đấu quốc tế để rút tỉa bài học cho mình.” Niềm vui chưa tày gang, thì đội bóng ngành dầu khí giải thể, Thanh Tuyền cập bến đội bóng mới là NHCT vào năm 2013, dưới sự hướng dẫn của các HLV cùng sự nỗ lực của bản thân, Thanh Tuyền đã có những thành công đầu tiên ở đội bóng mới.
Nhà báo Nguyễn Lưu phân tích: “Thanh Tuyền là libero số 1 Việt Nam hiện nay. Cô có nền tảng thể lực tốt, mạnh mẽ; cổ tay và bắp tay lớn tạo lợi thế khi bắt bước một. Nhưng điều làm nên sự khác biệt của Thanh Tuyền so với các đồng nghiệp khác là khả năng bao sân (Kim Liên cũng có khả năng bao sân nhưng chưa thành công như Thanh Tuyền), khả năng truyền lửa cho đồng đội và chơi bóng bằng chân rất tốt.” Những ai theo dõi tại Giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Bình Điền và Vòng 1 Giải VĐQG 2016, hẳn có ấn tượng mạnh với Thanh Tuyền bởi sự xông xáo, luôn hò hét đồng đội siết chặt đội hình trong những thời điểm khó khăn nhất. Gương mặt hừng hực quyết tâm và ánh mắt rực sáng của cô trở thành tiêu điểm quen thuộc của ống kính truyền hình.
Điển hình ở trận chung kết giải VTV Bình Điền khi đối đầu với CLB Giang Tô, Thanh Tuyền phải bay lượn như chim cứu bóng trước như cú đập “không thấy bóng” của VĐV Trung Quốc. Cái giá Thanh Tuyền phải trả là nhiều lần “hạ cánh” xuống sàn bằng… ngực, bụng khiến vài ngày sau vẫn còn ê ẩm toàn thân.
Nguồn Tuổi trẻ
Ý kiến ()