Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:12 (GMT +7)
Khó khăn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Thứ 5, 30/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Theo Đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Quyết tâm rất lớn nhưng để đạt được điều đó lại không hề đơn giản.
Hiệu quả không cao…
Theo số liệu khảo sát của ngành nông nghiệp, đến nay cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã đi vào hoạt động bao gồm: mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; vùng trồng chè theo công nghệ trồng, chế biến chè của Đài Loan (Trung Quốc) ở Thái Nguyên… Các mô hình này đã thu hút doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có quy mô khoảng 400.000 ha. Chỉ riêng tại tỉnh Lâm Đồng đã có gần 40.000 ha, chiếm khoảng 15% diện tích đất nông nghiệp canh tác ứng dụng CNC, mang lại doanh thu bình quân 130 triệu đồng/ha/năm.
Ông Ngô Tiến Dũng, Tổng Thư kí Hiệp hội các Doanh nghiệp ứng dụng CNC cho biết, Việt Nam chỉ có khoảng hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp CNC trên tổng số hàng nghìn công ty nông nghiệp. Hiện hầu hết các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư, trong khi lĩnh vực này lại cần nhiều vốn và mất thời gian dài để có lợi nhuận. Khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng và do quy mô vốn nhỏ nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất. Trong khi để đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những khoản đầu tư lớn.
Người trồng thanh long tỉnh Bình Thuận ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc mang lại lợi nhuận cao. |
Đơn cử trong năm 2015, để đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, Tập đoàn Đức Long đã phối hợp với Vinamilk đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng nuôi 80.000 con bò sữa và 45.000 con bò thịt. Tập đoàn TH, với sự trợ vốn mạnh mẽ từ Bac A Bank, cũng đã quyết định dành hơn 1,2 tỷ USD sản xuất sữa tươi với công nghệ Israel từ A đến Z. Còn Công ty cổ phần Tập đoàn PAN đã quyết định chuyển mũi nhọn sang lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm với mục tiêu cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc uy tín trong một chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Theo đó, PAN sẽ ký hợp đồng với nông dân, cung cấp giống, quy trình công nghệ… và nông dân sẽ cam kết bán lại sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, thành phố đã chọn nông nghiệp đi theo hướng phát triển chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nhà nông nâng cao lợi nhuận. Quy hoạch nông nghiệp CNC đã được mở rộng như: dự án xây dựng Khu Chăn nuôi công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), dự án xây dựng Khu Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Long Hòa (huyện Cần Giờ)… “Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả vẫn chưa cao là do chúng ta chưa lựa chọn được những mô hình, sản phẩm sản xuất phù hợp, khả năng tài chính chưa đủ mạnh để thực hiện đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp… Trong khi đó chúng ta lại chưa có các chính sách cụ thể hỗ trợ, cũng như xác định được công nghệ phù hợp để triển khai”, ông Hiệp phân tích.
Nói về những khó khăn, ông Ngô Tiến Dũng cho rằng, ngoài việc các mô hình nông nghiệp CNC, sản xuất quy mô lớn cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn, vượt quá khả năng ngân sách của địa phương, người nông dân, thì việc đầu tư phát triển nông nghiệp CNC còn gặp phải những rào cản về mặt thể chế, những điều kiện để các hình thức tổ chức kinh tế như kinh tế trang trại, doanh nghiệp, mô hình hợp tác xã trong khu vực nông thôn phát triển… Đây chính là những lực cản làm nản lòng nhà đầu tư.
Cần cơ chế phối hợp
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Nông sản hữu cơ Quế Lâm, Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, khi đầu tư vào CNC, doanh nghiệp có khá nhiều rủi ro. Thực tế khi ký kết hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp và người nông dân phải cam kết với nhau về sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhưng vẫn xảy ra tình trạng người nông dân không đảm bảo quy trình sản xuất và không thực hiện cam kết khi giá nông sản sốt trên thị trường.
“Sau khi ký hợp đồng; doanh nghiệp sẽ đầu tư giống, phân bón, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật về làm việc với người dân, giá thu mua được cam kết từ thời điểm ký kết hợp đồng và thường cao hơn giá thị trường khoảng 20 – 30%. Mặc dù có nhiều ưu đãi nhưng để bắt buộc người dân thực hiện theo đúng hợp đồng là điều khá khó khăn”, ông Trung ưu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp bằng việc Nhà nước thiết lập qui chuẩn và chính sách nền tảng để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng thành tựu kĩ thuật vào nông nghiệp. Chính phủ cũng thành lập những khu sản xuất nông nghiệp và làm rõ chính sách cho nông dân và doanh nghiệp. Các tỉnh thành phố có thể hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong giai đoạn thực hiện dự án để giải phóng mặt bằng, thuyết phục cư dân địa phương hỗ trợ và thành lập đường dây nóng giúp các công ty giải quyết vướng mắc khó khăn. Việc cần làm ngay lúc này là sớm có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, đặc biệt ở 2 khâu quan trọng nhất: Nông dân và doanh nghiệp, trong đó phải làm sao hài hòa được lợi ích giữa các bên, đảm bảo phát triển liên kết bền vững.
“Nhà nước xác định doanh nghiệp là trung tâm và là động lực để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, trong đó doanh nghiệp đảm nhận vai trò trung tâm dẫn dắt và hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kĩ thuật để làm ra những sản phẩm có chất lượng và hiệu quả cao. Các doanh nghiệp cũng phải liên kết với những tổ chức công nghệ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp”, ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Ý kiến ()