Chủ Nhật, 24/11/2024 13:24 (GMT +7)

Khó khăn tuyển sinh, các trường nghề ký cam kết đầu ra cho sinh viên

Thứ 3, 22/08/2017 | 09:25:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Dù đã đến tận các trường phổ thông chiêu sinh, nhưng đến nay, các trường cao đẳng, trung cấp vẫn đang vật vã do không tuyển đủ chỉ tiêu.

Đây là năm đầu tiên các trường cao đẳng, trung cấp trên cả nước (ngoại trừ Cao đẳng Sư Phạm) đều được chuyển sang sự quản lý trực tiếp của Bộ LĐTBXH. Ghi nhận tại nhiều trường cao đẳng, trung cấp, đây được coi là một mùa tuyển sinh khó khăn nhất từ trước tới nay.

kho khan tuyen sinh cac truong nghe ky cam ket dau ra cho sinh vien hinh 1
Các trường nghề vẫn đang loay hoay với công tác tuyển sinh 2017 (Ảnh minh họa)

Gọi điện mời học sinh không “đắt”

Trong khi các trường đại học đang hối hả tuyển sinh, mở rộng quy mô đào tạo, thì các trường cao đẳng, trung cấp nghề năm nào cũng phải đối mặt với nỗi lo không tuyển đủ chỉ tiêu. Đây là câu chuyện diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Tại thời điểm này, theo ghi nhận tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP. Hà Nội, lãnh đạo các trường vẫn như ngồi trên lửa do đợi mãi chưa thấy thí sinh.

Ths Lê Hồng Khanh, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, cho biết, đến nay, số lượng hồ sơ nộp về trường mới chỉ bằng 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. “Số lượng thí sinh đăng ký nhiều, nhưng tỷ lệ nhập học vẫn còn rất hạn chế, nhà trường đã gọi cho những thí sinh trúng tuyển, nhưng nhiều em báo đã nhập học ĐH, những em đạt mức 16, 17 điểm cũng báo sẽ đợi kết quả xét tuyển NV2 của ĐH, nếu trượt ĐH mới nhập học tại trường.

Đến nay trường mới chỉ tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu. Học sinh vẫn có tâm lý ưu tiên, thích học đại học hơn học nghề. Với quy chế tuyển sinh như năm nay, tỷ lệ ảo là rất lớn, không giới hạn các nguyện vọng, thí sinh khó lòng trượt đại học, do đó việc tuyển sinh đã khó khăn, nay còn khó khăn hơn”, thầy Khanh lo ngại.

Thầy Khanh cũng cho biết, với mức hồ sơ như hiện nay, trường chỉ dám phấn đấu tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu như năm 2016. Tuy nhiên, năm nay cũng có những dấu hiệu đáng mừng như một số thí sinh đạt 27 điểm cũng đã xác nhận nhập học tại trường.

Được biết, trường Cao đẳng Y Dược Pasteur đã phải đối mặt với tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu trong nhiều năm trở lại đây. Để thu hút thí sinh, thậm chí trường còn miễn toàn bộ học phí cho các thí sinh nhập học tại cơ sở Yên Bái, cùng nhiều chính sách đãi ngộ khác, nhưng đến nay mỗi mùa tuyển sinh vẫn đìu hiu “ế ẩm”.

Còn theo thầy Lê Hồng Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật và Nghiệp Vụ, năm 2017, trường có tất cả 800 chỉ tiêu, trong đó có 400 chỉ tiêu trung cấp, 150 chỉ tiêu cao đẳng, số còn lại là sơ cấp ngắn hạn 6 tháng. Hiện trường mới chỉ tuyển được khoảng hơn 50%.

“Công tác tuyển sinh những năm gần đây đều rất khó khăn. Không phải đến bây giờ, mà các trường đã triển khai công tác tuyển sinh từ đầu năm, về trực tiếp địa phương làm công tác tuyển sinh tại các trường phổ thông. Trường đã đi hầu hết các tỉnh phía Bắc. Một số tỉnh quá xa, nếu có học viên, trường vẫn thuê địa điểm để đào tạo. Đầu tư cho công tác tuyển sinh vô cùng tốn kém, như năm nay chi phí cho việc tuyển sinh lên đến hơn 700 triệu nhưng kết quả vẫn không như mong đợi”, thầy Ngọc cho hay.

Qua việc khảo sát, thực tế tại nhiều địa phương, thầy Lê Hồng Ngọc cho rằng các trường nghề hiện nay còn đang phải cạnh tranh với chính các công ty trong các khu công nghiệp. Thực tế sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, do đó thay vì học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT, tại nhiều tỉnh có khu công nghiệp phát triển như Hải Dương, Bắc Ninh,… học sinh có xu hướng vào thẳng các công ty lao động kiếm tiền. Tuy nhiên thầy Ngọc cũng lo ngại rằng, phần lớn những công nhân này không làm quá 10 năm trong các công ty, do các nhà tuyển dụng có xu hướng tuyển nhân lực trẻ, sau đó số lao động này sẽ đi đâu về đâu?

Tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã có hàng nghìn thí sinh nhập học đợt đầu, tuy nhiên Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc cho biết, bên cạnh những ngành “hot” tuyển không hết thí sinh thì trong xu thế chung, các ngành như Kế toán, Quản trị kinh doanh vẫn trong tình trạng khó tuyển sinh.

Cam kết việc làm sau khi ra trường

Theo các chuyên gia, hiện nay thị trường lao động Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Tâm lý thích học đại học càng khiến thị trường lao động thêm mất cân bằng.

Thầy Đồng Văn Ngọc cho biết, thực tế những nhân lực về kỹ thuật và công nghệ cao đang rất thiếu hụt. Song việc tuyển sinh những ngành nghề này không hề dễ, nhiều học sinh vẫn nghĩ rằng học cơ khí đồng nghĩa với những công việc nặng nhọc, vất vả, mà không biết, ngành này đang bước vào tự động hóa. “Đầu ra những ngành kỹ thuật vô cùng rộng mở, với ngành Cơ khí của trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trường cam kết giới thiệu việc làm cho sinh viên với mức lương tối thiểu là 7 triệu sau khi ra trường”, thầy Ngọc cho biết.

Ngoài ra, tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, những ngành đào tạo chất lượng cao như Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Hàn, Công nghệ cơ khí (Cắt gọt kim loại), sinh viên đều được ký cam kết có việc chậm nhất trong vòng 6 tháng sau khi ra trường. Ngay trong quá trình đào tạo, nhà trường đã liên kết với các đơn vị tuyển dụng, đưa sinh viên đến thực tập, làm quen với môi trường, văn hóa doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Thầy Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, lợi thế của các trường nghề là đào tạo ra những nhân lực có thể đáp ứng ngay yêu cầu của các doanh nghiệp. Thị trường lao động có nhu cầu tuyển lượng lớn lao động lành nghề, nhưng nhiều học sinh học hết chương trình phổ thông vẫn còn dửng dưng với việc học nghề. Đây là nghịch lý vốn tồn tại từ nhiều năm nay.

Tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, đến học kỳ thứ 2, nhiều sinh viên đã đi làm bán thời gian. Đến khi ra trường, doanh nghiệp đến đặt hàng nhà trường cũng không còn nhân lực để đáp ứng. Để phục vụ nhu cầu nhân lực hiện nay, trường đang đổi mới các chương trình theo hướng tăng tính thực hành, ngoại ngữ, tin học với sinh viên, đảm bảo đúng theo tiêu chí đào tạo nghề của Bộ LĐTBXH.

Trước tình hình tuyển sinh khó khăn, đại diện các trường nghề cho rằng, cơ chế tuyển sinh theo hướng mở cửa của Bộ GD-ĐT hiện nay khiến thí sinh khó lòng trượt đại học, càng làm khan hiếm nguồn tuyển của các trường cao đẳng, trung cấp. Trong khi đó, thông tin về các trường này đến với học sinh phổ thông còn quá nghèo nàn, càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất mùa tuyển sinh của hệ thống trường nghề./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu