Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 00:21 (GMT +7)
Khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất sau dịch COVID-19
Thứ 7, 30/05/2020 | 10:15:00 [GMT +7] A A
Ngày 29/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ 63 tỉnh, thành phố nhằm thảo luận những giải pháp khoa học và công nghệ cấp bách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất sau dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học và công nghệ địa phương, thời gian tới, các Sở Khoa học và Công nghệ cần chủ động tham mưu, đề xuất cho Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi nhanh chóng sản xuất, khắc phục mọi khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố tham gia vào việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ, giải pháp khoa học và công nghệ, bảo đảm thời gian phê duyệt đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, các Sở Khoa học và Công nghệ chủ động tham mưu cho tỉnh, thành phố tổ chức tốt các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn, bám sát bối cảnh hiện tại và yêu cầu của các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương; thực hiện quyết liệt các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp.
Theo thống kê, đến nay, gần 40 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai các Nghị quyết của Trung ương, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng hương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng các tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiên tiến, phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ cho các các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu các kiến nghị của địa phương, khẩn trương có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương phát triển. Đồng thời, các đơn vị chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các địa phương, trong đó tập trung vào các hoạt động Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng; Sở hữu trí tuệ; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Ứng dụng, chuyển giao công nghệ…
Điểm mới trong hoạt động khoa học và công nghệ tại các địa phương là việc duy trì các hoạt động phối hợp chia sẻ thông tin, liên kết hoạt động dựa trên lợi thế, đặc trưng của từng vùng; xu thế liên kết, nhất là liên kết trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên kết chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ đang được hình thành, phát triển tốt, tạo ra cơ hội để các địa phương cùng chung tay giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ chung của vùng hoặc của một số địa phương trong vùng.
Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Tại hội nghị, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ nhấn mạnh: Hiện hành lang pháp lý về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được củng cố à từng bước hoàn thiện đã tạo điều kiện cho hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hệ thống chính sách, pháp luật về doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng được hoàn thiện một bước cơ bản theo hướng: Điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhanh chóng, đơn giản hơn theo cơ chế hậu kiểm; căn cứ công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được mở rộng hơn về phạm vi lĩnh vực công nghệ và về loại hình kết quả nghiên cứu do tư nhân đầu tư nghiên cứu phát triển; cơ chế ưu đãi rõ ràng, minh bạch hơn.
Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo nêu một số nội dung trọng tâm về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để đề xuất đưa vào Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025 để khoa học và công nghệ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, quan trọng, có khả năng tạo bứt phát về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để phát triển kinh tế – xã hội.
Là địa phương có nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ top đầu của cả nước, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, phát triển thị trường công nghệ cũng như doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần tương xứng với tiềm năng, bởi hiện nay hoạt động này còn thiếu gắn kết, dịch vụ khoa học và công nghệ còn yếu, số doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài còn khiêm tốn… Ông Nguyễn Hồng Sơn đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ cần thực hiện giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ; liên kết chặt chẽ với các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu thêm về cách thức xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa cho biết đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sư trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Kinh phí từ ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ giai đoạn 2016-2020 của tỉnh gấp 1,4 lần giai đoạn 2011-2015. Để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm việc tập trung xúc tiến, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết: Tỉnh có Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, thành lập không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã giúp đa dạng sản phẩm dừa, xuất khẩu được sang nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật… Tuy nhiên, để phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa thành công các ý tưởng công nghệ nhờ gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ trường đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương… cần có cơ chế chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa. Các địa phương cần xây dựng phương hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng liên kết vùng và kết hợp doanh nghiệp địa phương với cơ quan, các trường, viện nghiên cứu nhằm phát triển các giải pháp tổng thể hướng tới các mô hình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại địa phương…
Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo diễn ra mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của xã hội, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành. Khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vị thế, có những đóng góp rất thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.
https://baotintuc.vn/thoi-su/khoa-hoc-va-cong-nghe-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-dan-phuc-hoi-phat-trien-san-xuat-sau-dich-covid19-20200529221636126.htm
Ý kiến ()