VOV.VN – Theo thông tin từ lực lượng chức năng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện tại ở Lạng Sơn còn khoảng 2.000 xe và 600 lái xe chờ thông quan.
Đảm bảo an toàn cho người dân trong phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy nhanh thông quan hàng hóa nông sản cho các doanh nghiệp và chủ hàng, tỉnh Lạng Sơn đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp để giảm thiệt hại khi hoạt động thông quan đang gặp khó khăn do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập. Tuy nhiên, việc chịu ảnh hưởng do lượng xe tồn đọng nhiều là không tránh khỏi.
Theo một số lái xe đang chờ thông quan tại Lạng Sơn chia sẻ, họ chờ gần nửa tháng nay, nhưng thông quan chậm lắm, mỗi ngày chỉ làm khoảng 4 – 5 tiếng, thứ Bảy và Chủ Nhật còn nghỉ nữa. Vài tiếng các lái xe phải chạy máy xe 1 lần để bảo quản không hỏng hàng, phải đền. Đi một chuyến tiền công có 5 triệu đồng, mà nằm đây mười mấy ngày tiền ăn, uống, chi phí xăng dầu làm sao mà đủ, mỗi ngày chi phí cũng phải lên đến 700.000 – 800.000 đồng.
Số lượng xe còn tồn đọng tại bến bãi khu vực các cửa khẩu hiện còn khoảng 2.000 xe, và thay đổi từng ngày.
Và trên kiểm tra thực tế công tác thông quan và nông sản còn tồn đọng ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh và quốc tế Hữu Nghị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho thấy, do phía Trung Quốc siết chặt biên giới để chống dịch Covid-19 nên thời gian qua, mỗi ngày chỉ có khoảng 600 lượt xe thông quan, giảm 50% so với thời gian trước.
Đại tá Ninh Văn Hợp, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, số lượng xe còn tồn đọng tại bến bãi khu vực các cửa khẩu hiện còn khoảng 2.000 xe, và thay đổi từng ngày. Tuy nhiên thời gian này do khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đến các tỉnh thì lượng xe từ nội địa ra cửa khẩu có giảm hơn, lượng hàng tồn chủ yếu hiện nay là từ thời điểm trước.
“Tỉnh Lạng Sơn đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thông quan khi phía Trung Quốc tăng thêm năng lực thông quan. So với thời gian trước chúng tôi đã đảm bảo lượng thông qua gấp 3 – 4 lần như hiện nay. Tuy nhiên, do năng lực thông quan hiện nay Trung Quốc siết chặt cho nên lượng hàng còn tồn đọng ở cửa khẩu từ trước chưa được giải phóng, lượng hàng trong nội địa nội địa tiếp tục dồn lên dẫn đến ùn ứ cục bộ, cho nên rất lo ngại về việc hàng hoá nông sản ở đây sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng và hư hỏng.
Tất cả những hàng hóa hiện nay chủ yếu là nông sản, chúng tôi điều hành theo phương châm ai đến trước thì sẽ được thông quan trước” – Đại tá Ninh Văn Hợp cho biết.
Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có những giải pháp và sáng kiến thành lập khu cách ly dành riêng cho lái xe và chủ hàng của Trung Quốc; Khu cách ly dành riêng cho lái xe và chủ hàng của Việt Nam; Khu cách ly dành riêng cho nhân viên bốc xếp, giao nhận hàng hoá tại cửa khẩu.
Đồng thời, thành lập Tổ lái xe chuyên trách người Việt Nam để chuyên vận hành xe hàng sang bến bãi phía Trung Quốc, sau khi trả hàng xong trở về Việt Nam được cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, sáng kiến trong việc cho các chủ hàng, lái xe mặc quần áo bảo hộ phòng dịch sang khu vực cửa khẩu phía Trung Quốc giao dịch, vận chuyển hàng hóa khi trở về Việt Nam cởi bỏ, tiêu hủy theo quy định và không phải thực hiện cách ly.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện có khoảng 600 lái xe chuyên trách phục vụ vận chuyển hàng hóa thông quan qua cửa khẩu, đồng thời tỉnh cũng thống nhất mức giá trần để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và chủ hàng vận chuyển nông sản thông quan tại cửa khẩu.
Theo ông Trưởng: “Đến nay tại 3 cửa khẩu thông quan có khoảng 600 lái xe và giá vận chuyển là do lái xe và chủ hàng là tự thoả thuận với nhau với giá rất cao vì mức độ nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp và chủ hàng vừa rồi tỉnh đã thống nhất là phải có mức giá trần khống chế, không để lái xe và chủ hàng tự ý thoả thuận để ép giá và tranh giành khách. Vấn đề được dư luận và các lái xe rất đồng tình ủng hộ. Chính vì vậy, hiện lái xe của Việt Nam của Trung Quốc sang đây rất thuận lợi”.
Hiện nay, lực lượng chức năng đang hoạt động theo phương châm ai đến trước thì sẽ được thông quan trước.
Theo bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn, từ sau Tết Âm lịch đến nay nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung rất lớn. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chính sách về xuất nhập khẩu của Trung Quốc thay đổi rất nhiều và hiện nay đang là giai đoạn khó khăn nhất.
Trong thời gian qua thì tỉnh Lạng Sơn cũng đã có rất nhiều nỗ lực, tập trung toàn lực hệ thống chính trị, phối hợp với các ngành chức năng, cũng tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những khó khăn. Hàng hóa cần được thông quan nhanh nhất có thể, nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về các nguy cơ phòng, chống dịch Covid-19.
Trên cơ sở đó để làm tốt nhiệm vụ luân chuyển hàng hoá, tỉnh Lạng Sơn đặc biệt chú trọng đến đảm bảo vệ sinh môi trường, cách ly lái xe chở hàng đang chờ thông quan tại cửa khẩu, bởi có những thời điểm có khoảng hơn 2.000 xe chở hàng nằm chờ thông quan với 5.000 – 6.000 người tập trung ở cửa khẩu đặt ra yêu cầu phải an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bà Lâm Thị Phương Thanh cho biết: “Với lượng người rất lớn và chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhưng hiện nay vẫn rất khó khăn, có khoảng 5.000 – 6.000 người tập trung ở khu vực cửa khẩu vừa phải đảm bảo ăn uống vừa cách ly rất khó khăn cho địa phương.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ rất quan tâm trong việc tháo gỡ những khó khăn, cần phải có giải pháp vĩ mô từ Trung ương để tháo gỡ chứ không phải từ các địa phương, các địa phương thực hiện được một phần. Hiện nay mối quan hệ của tỉnh Lạng Sơn với Quảng Tây (Trung Quốc) rất thuận lợi, thế nhưng cần có nhiều chính sách từ Trung ương mới tháo gỡ được những khó khăn hiện nay”.
Đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid 19 an toàn cho người dân, vừa giải phóng nhanh hàng hóa và giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn cũng đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, rất cần sự chung tay của các địa phương, nhất là những địa phương vùng trọng điểm về xuất khẩu nông sản trái cây tươi hiện nay.
Còn về lâu dài, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để chủ động và linh hoạt trong xuất khẩu các loại nông sản, ứng phó với những kịch bản có thể lặp lại tương tực như dịch bệnh Covid-19 hiện nay, đó là cần đánh giá lại năng lực thông quan của các cửa khẩu.
Với thế mạnh và lợi thế của từng nhóm cửa khẩu đối với xuất khẩu các loại nông sản để chỉ đạo điều hành, định hướng khối lượng luân chuyển hàng hoá phù hợp không chỉ với tín hiệu của thị trường, mà quan trọng hơn là phù hợp với năng lực thông quan, phù hợp với hệ sinh thái logictis và nguồn nhân lực./.
Theo Minh Long/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/khoang-2000-xe-hang-dang-cho-thong-quan-tai-lang-son-1039219.vov
Ý kiến ()