Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 04:02 (GMT +7)
Khơi dậy tinh thần học tập, sự sáng tạo của giáo viên và học sinh ở tất cả các cấp
Thứ 4, 17/10/2018 | 10:35:00 [GMT +7] A A
“Vai trò của trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn” là chủ đề của Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức ngày 16/10, tại Thái Nguyên.
Dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; đại diện một số ban, ngành ở Trung ương, đại diện 30 trường đại học và Hội khuyến học các tỉnh, thành phố trong cả nước.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu. Ảnh: dantri.com.vn
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: “Một quốc gia muốn phát triển về khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế bền vững nhất thiết phải có hai yếu tố, đó là hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh đẳng cấp quốc tế và lực lượng lao động chất lượng tốt, mà lực lượng lao động này phần lớn do chính các trường đại học cung cấp”. Do vậy, giáo dục đại học ngoài nhiệm vụ chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực tối cần thiết để phục vụ yêu cầu của các vị trí công tác, giáo dục đại học còn tạo ra cơ hội cho mọi người có nhu cầu trau dồi tri thức mới, nâng cao trình độ học tập, hiểu biết của bản thân để phục vụ nhu cầu công tác hoặc nhu cầu cuộc sống.
Hiện nay, trong khi các nước tiên tiến phát triển dựa vào vốn tri thức do học tập, sáng tạo, nghiên cứu mà có, thì Việt Nam chúng ta, mặc dù đã có nhiều chủ trương phát triển đất nước phải dựa vào kinh tế tri thức, coi giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, Chính phủ đã có nhiều giải pháp triển khai chủ trương trên, nhưng kinh tế tri thức vẫn chưa phát triển, sự hiểu biết đủ để vận dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước khác.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Để xây dựng xã hội học tập, trước hết cần khơi dậy tinh thần học tập, sự sáng tạo của giáo viên và học sinh ở tất cả các cấp học; xóa bằng được căn bệnh hình thức, gian lận trong môi trường giáo dục và các trường đại học phải gương mẫu đi đầu là một đơn vị học tập. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ Hội khuyến học các cấp cũng như hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng phát triển tốt, có như vậy mới khuyến khích và tạo môi trường phù hợp cho người dân tự học.
12 ý kiến tham luận của các đại biểu gửi tới Hội thảo đều xoay quanh một số vấn đề như: Vai trò, trách nhiệm của trường đại học trong việc đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng; những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số giải pháp về học tập suốt đời của người lớn; phát triển đào tạo từ xa hỗ trợ học tập suốt đời cho người trưởng thành và người cao tuổi; học tập suốt đời là trách nhiệm của mỗi người với xã hội… Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, học tập suốt đời đã được các quốc gia trên thế giới và Việt Nam hiểu một cách khá đầy đủ và vận dụng, thực hiện trong nhiều thập kỷ qua. Học tập suốt đời đã trở thành “chìa khóa” của mọi sự thành công đối với các tổ chức và cá nhân.
Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, cho rằng xã hội học tập và học tập suốt đời đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội tri thức ngày một nâng tầm. Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cơ hội mạnh mẽ cho sự phát triển của phương thức học tập này.
Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng công nghệ của người dân ngày một phát triển. Đó là điều kiện tốt để chính quyền, các cơ sở giáo dục và các tổ chức cùng chung sức phát triển, xây dựng môi trường công nghệ phục vụ cho xã hội học tập ngày một phát triển sâu rộng hơn.
Ý kiến ()