Chủ Nhật, 24/11/2024 11:35 (GMT +7)

Khôi phục, phát triển cây đặc sản vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim

Thứ 5, 08/06/2017 | 15:44:00 [GMT +7] A  A

Cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được xác định là một trong các chủng loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang. Cây trồng này đã được tỉnh đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể và chỉ dẫn địa lý từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, hiện vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng, giảm diện tích và chất lượng, bị sâu bệnh tấn công trên diện rộng. Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện chỉ còn trên 3.100 ha vú sữa, giảm gần 800 ha so với thời điểm năm 2011.

Thu hoạch vú sữa tại xã Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang). Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Ông Võ Văn Nam, cư ngụ tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim có vườn vú sữa 9.000 m2 đã 25 năm tuổi. Khu vườn này, lúc sung mãn đạt sản lượng hàng chục tấn quả, thu mỗi năm vài trăm triệu đồng. Vài năm trở lại đây, vú sữa suy kiệt, cằn cỗi, cành nhánh chết khô từ từ. Đào dưới gốc thấy phần lớn rễ đều bị thối, không sinh trưởng được, không thể phục hồi. Vì sinh kế, ông Nam phải chuyển đổi từ cây vú sữa đặc sản sang trồng bưởi da xanh.
Không riêng gì nhà ông Nam, các khu vườn vú sữa khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Đa phần, bà con đành phải phá bỏ những vườn bị bệnh nặng, chuyển đổi cây trồng để đảm bảo nguồn thu nhập. Trước tình hình này, địa phương đang đề ra những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái, khôi phục và phát triển bền vững cây vú sữa lò rèn đặc sản với sự tham gia của các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên về cây ăn quả.
Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Cây ăn quả miền Nam cho hay, Viện đã phối hợp cùng Hội Làm vườn Tiền Giang, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để thực hiện hai đề tài nghiên cứu: “Chọn lọc giống chất lượng cao, phục tráng giống, qui hoạch, cải tạo vườn vú sữa 13 xã huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang” và “Biện pháp quản lý bệnh thối rễ, chết cành và hiện tượng rễ tre trên vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”.
Qua đó, xác định một số yếu tố làm cây suy kiệt như: thối rễ do nhiều tác nhân gây hại, vườn già cỗi, xử lý ra hoa sớm liên tục làm cây mất sức và nhiễm bệnh không phục hồi được; quy trình chăm sóc của nông dân chưa phù hợp… Từ kết quả này, Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu đề xuất cần có giải pháp căn cơ ngắn hạn và dài hạn; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm hỗ trợ nhà vườn quản lý đối tượng dịch hại đồng thời với khôi phục, trẻ hóa vườn vú sữa một cách hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, trước tiên phải khôi phục và ngăn chặn suy thoái hệ canh tác, cụ thể là đất trồng vú sữa; xem lại mạng lưới kênh mương tưới tiêu…; tiếp tục nghiên cứu xác định nguyên nhân suy thoái, nhiễm bệnh để có biện pháp khôi phục, phát triển vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim một cách phù hợp và bền vững.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, khôi phục và phát triển vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim theo hướng định hình vùng chuyên canh, ngăn chặn tình trạng suy thoái vườn cây và bệnh thối rễ, chết cành là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với huyện Châu Thành và các xã ven sông Tiền nằm trong phạm vi phân bố của cây trồng đặc hữu này.
Đây là việc làm thiết thực, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã đề ra các nhóm giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, chú trọng cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy lợi đầu mối sẵn có, hoàn thiện mạng lưới thủy lợi nội đồng làm tốt chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh thông qua phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong việc tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật canh tác hiệu quả…
Với những vườn cây già cỗi, suy kiệt hoặc sâu bệnh tấn công cần tập trung các giải pháp đánh giá nguyên nhân, bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường bón phân hữu cơ, bón vôi cải tạo đất đồng thời áp dụng triệt để quy trình quản lý tổng hợp dịch bệnh trên cây vú sữa.
Những vườn mới trồng cần tuân thủ các nguyên tắc: đảm bảo thiết kế vườn trồng và quy trình kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống tưới tiêu cho vườn cây đồng thời chú ý khâu tỉa cành, tạo tán, chăm sóc… Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết, Viện Cây ăn quả miền Nam đã đạt được những kết quả ban đầu tích cực về việc thực hiện quy trình “trẻ hóa” vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã trồng cách đây 20 – 30 năm.
Trên cơ sở nghiên cứu thực tế tại vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Viện đã đưa ra quy trình quản lý tổng hợp bệnh thối rễ, chết cành vú sữa tại các tỉnh phía Nam. Đây là những tín hiệu vui và niềm hy vọng phục hồi, phát triển cây trồng đặc sản của tỉnh Tiền Giang, góp phần giúp nông dân làm giàu từ đất đai, lao động và cây trồng truyền thống.
Minh Trí (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu