Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 22:43 (GMT +7)
Khống chế đám cháy tại Vườn quốc gia Hoàng Liên
Thứ 5, 11/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Đến 3h sáng 11/2, đám cháy tại vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã được khống chế thành công.
Ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức khen thưởng, động viên lực lượng tham gia chữa cháy, đặc biệt là lực lượng dân quân nòng cốt tại địa phương đã góp phần rất lớn dập tắt đám cháy sau 14 giờ đồng hồ vật lộn với “giặc lửa”.
Ông Nguyễn Hữu Thể cũng đã đặc biệt lưu ý các cơ quan ban ngành có liên quan đánh giá chính xác tình hình và nghiêm túc rút kinh nghiệm đồng thời đề cao cảnh giác ngăn chặn nguy cơ tái diễn cháy rừng trong điều kiện thời tiết vô cùng bất lợi như hiện tại.
Hiện trường vụ cháy rừng Vườn quốc gia Hoàng Liên vào tháng 2/2014. Ảnh: Lục Văn Toán – TTXVN |
Trước đó, vào hồi 13h chiều qua (10/2), đám cháy đã bùng phát tại khu vực rừng thuộc địa bàn giáp ranh giữa 2 thôn Tả Van Giáy và Séo Mí Tỷ của xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, thuộc phần rừng đệm của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển.
Ngay sau khi đám cháy xảy ra, lực lượng khoảng 200 người chủ yếu dân quân và người dân địa phương, lực lượng kiểm lâm và công an huyện Sa Pa đã lập tức được huy động để dập lửa theo phương châm 4 tại tại chỗ, không để cháy lan rộng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, tính đến thời điểm khống chế được đám cháy có khoảng 8 ha rừng bị thiệt hại. Đây cũng là khu vực đã từng xảy ra cháy trên diện rộng vào năm 2010 và 2012 nên diện tích cháy chủ yếu là rừng khoanh nuôi tái sinh gồm thảo quả, sơn tra và cây bụi.
Nguyên nhân ban đầu được xác minh là do diện tích rừng này nằm giáp ranh với bộ phận dân cư lại có nhiều cây chết khô do bị tuyết phủ lấp hồi tháng 1 vừa qua, cộng thêm điều kiện thời tiết hanh khô và gió thổi mạnh nên dễ bắt lửa nếu người dân dùng mồi lửa bất cẩn.
Hiện tại, các lực lượng cơ bản đã rút hết, chỉ còn lại bộ phận kiểm lâm vẫn ở lại trong rừng, tiếp tục dùng các biện pháp để dập tắt phần than còn lưu lại, ngăn ngừa nguy cơ bắt lửa trở lại.
Ý kiến ()