Thứ Ba, 26/11/2024 00:41 (GMT +7)

Không được thi môn thay thế tiếng Anh, hơn 1.100 học sinh gặp khó

Thứ 5, 31/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Có đến hơn 1.100 học sinh được đánh giá có đầu vào thấp, năng lực học tập trung bình – yếu không được thi môn thay thế tiếng Anh theo tinh thần công văn chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh khiến nhiều trường lo lắng còn học sinh thì gặp khó.

3 điểm – một số điểm rất thấp và dưới mức trung bình nhưng đây lại là con số rất khó khăn mà ban giám hiệu trường Trường THPT Thủ Khoa Thừa, huyện Thủ Thừa hy vọng học sinh mình có thể đạt được khi thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Điều đó cũng đủ cho chúng ta hình dung về trình độ, năng lực học tập của các em học sinh có nguồn gốc từ trường bán công chuyển đổi sang công lập.

onthi TA

Trong khi nhà trường lo lắng sợ tỷ lệ tốt nghiệp sẽ giảm thì học sinh cũng gặp khó khăn và ảnh hưởng tâm lý không kém khi đã mất căn bản môn tiếng Anh nhiều năm. Không ít học sinh khi được hỏi cho biết: điểm số kiểm tra và thi học kỳ môn tiếng Anh ở lớp chỉ đạt mức trung bình, thậm chí dưới trung bình. Vì vậy, các em chỉ dám đặt ra mục tiêu “khiêm tốn” nếu không muốn nói là rất thấp, đó là: không bị điểm liệt môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia, tức không dưới 1 điểm. Nó chỉ ra một thực tế buồn cho việc dạy và học môn tiếng Anh.

Trường THPT Thủ Khoa Thừa là 1 trong 9 trường chuyển đổi từ bán công sang công lập được đánh giá là có chất lượng đầu vào thấp nhưng sẽ không được thi thay thế môn tiếng Anh. Mặc dù có đến 1.162 học sinh có nguyện vọng sẽ được thi môn thay thế.

Nếu như năm học vừa qua, toàn tỉnh có đến 27 trường THPT với hơn 5.300 học sinh được thi môn thay thế tiếng Anh thì năm học này số lượng giảm đi 1 nữa, chỉ còn 15 trường với hơn 2.500 học sinh được thi môn thay thế, chiếm hơn 22% trong tổng số trên 11.500 học sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Đây là những trường thuộc vùng sâu, biên giới và các trường thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Trong đó, có những trường có đến 90-96% học sinh đăng ký thi môn thay thế, một tỷ lệ rất lớn mặc dù các em đã có đến 7 năm để học môn tiếng Anh trên ghế nhà trường.

Riêng các trường không được thi môn thay thế tiếng Anh nên khó khăn nhiều và lo lắng cũng không ít, nhưng đó chỉ là cái trước mắt mà giáo viên và học sinh các trường này phải đối diện trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Còn về lâu dài, rất cần những giải pháp quyết liệt của ngành giáo dục để giảm dần và tiến tới không còn trường trên địa bàn tỉnh thi thay thế môn tiếng Anh , góp phần thúc đẩy việc dạy và học bộ môn này trong hệ thống giáo dục quốc dân và đảm bảo được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung./.

Duy Huệ – Đức Cảnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu