Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 09:25 (GMT +7)
Kiểm soát chặt chất lượng bánh trung thu
Thứ 3, 22/09/2020 | 10:18:00 [GMT +7] A A
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu Canh Tý 2020, trên thị trường hiện nay các mặt hàng bánh trung thu đang trở nên sôi động hơn, với nhiều loại bánh từ bình dân đến cao cấp để phục vụ người tiêu dùng.
Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội còn rao bán nhiều loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng một cách công khai và tràn lan. Thậm chí trên nhiều sàn thương mại điện tử còn công khai rao bán các loại bánh trung thu nhập từ Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) với giá rất rẻ.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra các cửa hàng bán bánh trung thu tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN
Mới đây, Đội quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) qua kiểm tra đã phát hiện 1.000 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất đang tập kết tại số nhà 301 Trần Khát Chân. Trước đó, đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại số 27 Trần Duy Hưng phát hiện 8.000 sản phẩm (tương đương hơn nửa tấn) bánh kẹo như bánh trung thu, bánh chuối, bánh phô mai… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Chia sẻ về thủ đoạn vận chuyển, tiêu thụ bánh trung thu nhập lậu, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các đối tượng buôn lậu mặt hàng này thường xuyên thay đổi biển kiểm soát phương tiện vận chuyển, hoặc đổi địa điểm tập kết hàng hóa liên tục, thậm chí lợi dụng xe chuyển phát nhanh của ngành Bưu điện để vận chuyển. Về đến Hà Nội, các đối tượng lại phân chia, xé lẻ đưa hàng đi ngay chứ không tập kết lâu ở một địa điểm cố định.
Qua khảo sát thực tế tại một số điểm kinh doanh bánh kẹo cho thấy, một chiếc bánh trung thu handmade cỡ nhỏ 120-150g có giá dao động từ 40.000 – 70.000 đồng/chiếc; loại lớn hơn từ 210-800g có giá 65.000 – 480.000 đồng/chiếc; trung bình 1 hộp 4 bánh có giá bán phổ biến trên 200.000 đồng/hộp.
Thời điểm này, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… liên tục xuất hiện những lời quảng cáo, rao bán sản phẩm “bánh trung thu trứng muối tan chảy siêu ngon, siêu rẻ” xách tay từ Trung Quốc với giá bán từ 70.000-100.000 đồng/hộp 6 bánh. Không chỉ xuất hiện trên sàn thương mại điện tử, nhiều cửa hàng, đại lý bánh kẹo tư nhân cũng “quảng cáo” bánh trung thu Đài Loan (Trung Quốc) hạn sử dụng lên tới 4 tháng, được bán theo set 20 cái với giá khoảng 100.000 đồng, nếu mua 1 set bánh 55 – 60 cái, giá bán sẽ là 199.000 đồng, mua số lượng lớn được giảm 10 – 20%.
Thậm chí, có những loại bánh mặc dù được quảng cáo là bánh tự làm nhưng đại đa số người tiêu dùng chỉ biết nghe thông tin chung chung từ người bán hàng, khó có thể tìm hiểu chất lượng cụ thể, tiêu chuẩn, hạn sử dụng. Bên cạnh đó, với những chiếc bánh không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không công khai thành phần dinh dưỡng trên bao bì còn tiềm ẩn nguy cơ về chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia vượt quá mức cho phép hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Mối nguy cơ này có thể gây ngộ độc ngay lập tức hoặc tích tụ lâu dài, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Trên thực tế, việc kiểm soát chất lượng bánh handmade vẫn không hề dễ dàng. Theo bà Hoàng Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, khó khăn lớn nhất là kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, ngoài hồ sơ hợp đồng về nguồn gốc và hóa đơn mua bán, còn yêu cầu phải có thêm giấy đăng ký kinh doanh của cơ sở sản xuất ra nhân bánh, kiểm nghiệm định kỳ nhân bánh đó đạt yêu cầu, được lưu trữ tại cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động của đoàn kiểm tra chỉ thực hiện định kỳ nên khó có thể kiểm soát 100% lượng nguyên liệu, vì vậy vai trò của chủ cơ sở trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng.
Đồng quan điểm này, ông Trịnh Quang Đức, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, theo quy định, các hộ nhỏ lẻ sản xuất bánh trung thu handmade có quyền bán trên các kênh thương mại điện tử và phải đăng ký với nhà nước, đồng thời chấp hành các quy định chung. Nhưng sàn thương mại điện tử là kênh bán hàng khá rộng, muốn giám sát, kiểm soát đòi hỏi sự hợp tác từ phía các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, trong đó có bánh trung thu, cần quy rõ trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử với hàng hóa, qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người tiêu dùng không nên lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, hàng lậu không có giấy tờ kiểm định của hải quan.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu 2020.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị thị trường, trước Tết Trung thu, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh Trung thu để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn được phân công quản lý.
https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/kiem-soat-chat-chat-luong-banh-trung-thu-20200921182129094.htm
Ý kiến ()