Thứ Năm, 28/11/2024 23:34 (GMT +7)

Kiểm soát chặt giá cả trên thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý

Thứ 2, 20/01/2020 | 14:46:00 [GMT +7] A  A

Theo nhận định của Cục Quản lý giá, bước sang đầu năm 2020 – cũng là thời điểm sát Tết Nguyên đán Canh Tý, một số mặt hàng có thể có xu hướng tăng giá.

Nhằm tăng cường quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ngay từ giữa tháng 12/2019, Bộ trưởng Tài chính đã có Chỉ thị số 03/CT-BTC yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết; kịp thời tham mưu cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.

Theo nhận định của Cục Quản lý giá, bước sang đầu năm 2020 – cũng là thời điểm sát Tết Nguyên đán Canh Tý, một số mặt hàng có thể có xu hướng tăng giá.

Khách mua sắm tại Hapro Thành Công. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cụ thể, về giá thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung thịt lợn trong nước hiện đang giảm, việc tái đàn chưa hiệu quả nên dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2020.

Giá dịch vụ y tế dự kiến chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế (bước 3) và việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản tiền lương theo mức lương cơ sở mới. Giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 theo lộ trình của Chính phủ.

Về giá điện, mặc dù hiện nay chưa có phương án điều chỉnh tăng trong năm 2020, tuy nhiên nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng, sẽ tác động tăng CPI. Ngoài ra, giá đất trong bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 sẽ điều chỉnh tăng khoảng 10 – 20% so năm 2019. Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc có thể tăng theo quy luật vào đầu và cuối năm do nhu cầu mua sắp trong dịp lễ Tết…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2019 đạt khoảng 4.940.403 tỷ đồng, tăng 11,86% so năm 2018. Về thị trường hàng hóa Tết, nhờ tình hình thời tiết các tháng cuối năm ổn định nên sản xuất các mặt hàng nông sản khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào.

Dự kiến, sức mua hàng hóa vào dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 10-12% so cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so các tháng thường. Sản phẩm được ưa chuộng là các loại thực phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn. Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tập trung cao điểm vào tuần từ 16/1 đến 23/1 (tức ngày 22 đến 29 tháng Chạp) để phục vụ các đợt lễ, từ ngày ông Công ông Táo đến cận Tết.

Cục Quản lý giá cho biết, để kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, việc quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động và nhất là kịch bản điều hành giá quý I/2020 phải hết sức quan trọng. Với những yếu tố tác động tới CPI như các dự báo, cơ bản sẽ không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá vào quý I/2020, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết nhất là đối với mặt hàng thịt lợn, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ Tết.

Về xu hướng giá cả, nhờ nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn. Thực tế, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đẩy mạnh tiêu thụ hàng dịp cuối năm, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ dự kiến triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, góp phần giữ giá hàng hóa không có biến động lớn.

Quầy hàng thịt lợn tại chợ đầu mối Nam Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tại các chợ dân sinh, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhất là thịt lợn sẽ có biến động tăng trong những ngày cận Tết do nhu cầu tăng mạnh, mặt hàng cao cấp hơn ngày thường, chi phí lưu thông tăng… Tuy nhiên, do có đối trọng từ các điểm bán hàng bình ổn, các siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định sẽ góp phần kìm chế mức tăng giá chung.

Dự báo giá các mặt hàng thiết yếu tăng khoảng 7-10%, riêng mặt hàng thịt lợn có thể tăng 10-15% so ngày thường, một số mặt hàng bánh kẹo, rượu bia tăng khoảng 5% so cùng kỳ năm trước. Tại các điểm bán hàng bình ổn, giá cả được niêm yết rõ ràng và doanh nghiệp đã cam kết bán theo đúng giá niêm yết, giữ ổn định trong dịp Tết. Thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Đặc biệt, nhằm tăng cường quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Bộ trưởng Tài chính đã có chỉ thị 03 yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.

Là một trong những địa phương sớm triển khai việc thực hiện chỉ thị 03, Trần Việt Dũng, Phó giám đốc Sở Tài Chính Nghệ An cho biết sở đã chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành của địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn, cụ thể: căn cứ theo nhu cầu tiêu dung các tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán sức mua hàng hóa tăng khoảng 20-30% so các tháng khác, tức tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 6.000 – 6.20 tỷ đồng.

Dự kiến, số lượng mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dung của nhân dân Nghệ An trong dịp Tết Nguyên đán 2020 gồm: 78.000 tấn lương thực; 25.500 tấn thịt lợn; 36.000 tấn thịt trâu, bò gia cầm; 4.500 tấn thực phẩm chế biến; 90.000 tấn rau, củ; 800 tấn bánh, mứt , kẹo; 110.000 m3 xăng dầu… Với sự chuẩn bị kỹ càng, Sở Tài chính Nghệ An bảo đảm nguồn cung – cầu trên địa bàn cơ bản ổn định, không thiếu hụt nguồn cung.

Tương tự, tại Quảng Trị, Sở Tài chính Quảng Trị cũng vào cuộc một cách nhanh tróng. Với tổng thu ngân sách trên địa bàn ước khoảng 3.260,442 tỷ đồng, đạt 112% dự toán địa phương và 130% dự toán trung ương, đây là lần Quảng Trị hoàn thành chỉ tiêu ngân sách. Năm 2019, tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, giá các mặt hàng thiết yếu thường tăng vào những dịp Lễ, Tết do nhu cầu mua sắm tăng sau đó giảm dần và ổn định trở lại.

Do tác động của dịch tản lợn Châu Phi và nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân trong tỉnh tăng lên dẫn đến giá một số nhóm hàng có biến động. Cụ thể, chỉ số CPI từng nhóm hàng trong tháng 12-2019 như sau: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,40%; nhóm đồ uống, thuốc lá ( 0,25%); nhóm may mặc, giày dép ( 0,21%)…

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Saigon Co.op Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Bà Lê Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Trị cho biết, sở đã chủ động thực hiện nhiệm vụ thường xuyên về diễn biến thị trường, làm tốt việc dự báo, xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời ứng phó với những bất thường có thể xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Chủ động các giải pháp cân đối cung – cầu, ổn định thị trường với các mặt hàng thiết yếu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính đánh giá, việc quản lý giá của hai địa phương trên khá kịp thời, đặc biệt về việc ban hành các văn bản pháp luật về giá và quản lý giá. Trong dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý, cơ bản các tỉnh đã chủ động có chỉ đạo các sở, ban, ngành để có thể thực hiện tốt bình ổn giá, đặc biệt là tỉnh Nghệ An đã có làm việc với các doanh nghiệp để cung cấp hàng hóa kịp thời đến người dân trong dịp lễ Tết. UBND tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo Sở Công thương, Sở Tài chính có các phương án chuẩn bị các hàng hóa.

Về thịt lợn, thì qua kiểm tra thị trường cung ứng ra thị trường, qua dự báo và qua báo cáo của hai Sở Tài chính cho thấy tình hình cung ứng thịt lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có thể thiếu hụt khoảng hơn 1.000 tấn, còn ở Nghệ An, tuy có bị tác động đến nguồn cung song Nghệ An đã khống chế tốt dịch tả lợn châu Phi và nguồn cung đáp ứng đủ yêu cầu trên địa bàn và điều phối nguồn cung cho các tỉnh có thế thiếu như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Qua kiểm tra tình hình chuẩn bị Tết tại hai tỉnh cho thấy cơ bản hàng hóa dồi dào, giá cả được kiểm soát, thực hiện bình ổn theo đúng yêu cầu cảu Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 02 của Bộ trưởng Tài chính, và Chỉ thị số 12 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, để kiểm soát tốt giá cả thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2020.

Theo Thùy Dương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/kiem-soat-chat-gia-ca-tren-thi-truong-dip-tet-nguyen-dan-canh-ty-20200120105528176.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu