Chưa bao giờ, vấn đề về an toàn thực phẩm lại được cả hệ thống chính trị quan tâm như hiện nay. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động” nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, góp phần hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Nghị quyết kịp thời
Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp đang ngày càng gia tăng, sức khỏe của người lao động bị đe dọa, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm cách giải quyết triệt để vấn đề. Tuy nhiên, nhiều công ty dù bị phạt hành chính, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh do để xảy ra ngộ độc tập thể, nhưng dường như mức xử phạt vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Để có giải pháp lâu dài kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm trong các bữa ăn ca, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định: Suất ăn ca tối thiểu từ 0,6% mức lương tối thiểu và khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, tổ chức công đoàn sẽ khởi kiện doanh nghiệp. Theo đó, với mức lương tối thiểu vùng mới sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2016, ước tính bữa ăn ca của người lao động tại các doanh nghiệp để đạt từ 0,6% mức lương tối thiểu trở lên sẽ không được thấp hơn 15.000 đồng/bữa.
Ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức Công đoàn. Sức khỏe của công nhân bị đe dọa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội. Việc ban hành Nghị quyết kịp thời sẽ có tác động trực tiếp đến cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp, buộc họ phải thay đổi. “Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa ký kết về việc giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc. Tổng Liên đoàn là thành viên sẽ mở rộng tuyên truyền, tập trung giám sát về chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, ông Nguyễn Văn Ngàng nhấn mạnh.
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp – chế xuất Hà Nội cho biết, mức ăn của công nhân phụ thuộc vào năng lực doanh nghiệp, có nơi cao, nơi thấp, nhưng tối thiểu 15.000 đồng/suất, không bao gồm chi phí nhân công, phục vụ là chấp nhận được. Vấn đề là phải kiểm soát được nguồn hàng, quá trình tổ chức bữa ăn để giá trị mỗi suất ăn không bị xâm phạm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lại Hoàng Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Samsung Điện tử Việt Nam cho biết, công ty hoàn toàn ủng hộ Nghị quyết của Tổng Liên đoàn trong nỗ lực cải thiện bữa ăn ca cho người lao động. Hiện nay, Samsung có 6 nhà ăn, với công suất phục vụ hơn 140.000 suất ăn mỗi ngày, với giá trị 22.000 đồng/suất.
Ông Dũng khẳng định, người lao động khỏe mạnh, doanh nghiệp mới phát triển được. Chăm lo cho người lao động luôn được Samsung coi trọng như mục tiêu sống còn của Công ty, thể hiện qua phương châm cốt lõi “doanh nghiệp là con người,”
Sau bốn tháng triển khai, tuy chưa có báo cáo cụ thể từ các địa phương, nhưng theo nhận định của các nhà quản lý, các doanh nghiệp đã có nhiều động thái tích tực trong việc cải thiện chất lượng bữa ăn.
“Ít nhất 40% doanh nghiệp hiện nay đã thực hiện nghiêm túc quy định đảm bảo mức giá tối thiểu cho mỗi suất ăn của công nhân là 15.000 đồng,” phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều công nhân được hỏi đều cho biết bữa ăn trưa đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều người bày tỏ vui mừng khi thấy việc tổ chức bữa ăn được giám sát chặt chẽ.
“Tôi thấy cơm bây giờ ngon hơn trước nhiều, thức ăn cũng phong phú và dễ ăn hơn. Nếu có thắc mắc về suất ăn, tôi và các bạn nhân viên có thể liên hệ bất cứ lúc nào với nhân viên giám sát chất lượng tại nhà ăn. Mong rằng trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục duy trì việc cải thiện để có những bữa ăn ngon, chất lượng như hiện nay để nhân viên yên tâm về sức khỏe và làm việc,” chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh làm việc ở khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ.
Phải có chế tài xử lý nghiêm
Trong buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã khẳng định vấn đề đảm bảo việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho người lao động là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Để công nhân được làm việc trong một môi trường an toàn từ chế độ, chính sách đến sức khỏe, tiền lương thì công đoàn phải là người đầu tiên đứng ra bảo vệ.
Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn ca của người lao động, bà Mai yêu cầu công đoàn cơ sở phải thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những những hành động gian lận, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân.
Tại một số quốc gia công nghiệp phát triển, tổ chức công đoàn có vai trò rất quan trọng trong việc thỏa thuận tiền hỗ trợ bữa ăn ca, được thể hiện rõ trong thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đặt thành nhiệm vụ quan trọng, đấu tranh đòi lợi ích cho công nhân, lao động.
Ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, giá trị bữa ăn ca hiện nay rất thấp, thậm chí có nhiều doanh nghiệp chỉ chi dưới 10.000 đồng cho một suất ăn. Việc quan tâm chăm lo bữa ăn giữa ca, nhằm tái tạo sức lao động cho công nhân trong doanh nghiệp là trách nhiệm của các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở.
Bữa ăn giữa ca là nội dung quan trọng cùng với vấn đề tiền lương, tiền thưởng, vấn đề an toàn vệ sinh lao động để thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức tốt việc xây dựng bếp ăn tập thể, đảm bảo vệ sinh và được giám sát trực tiếp của tổ chức công đoàn.
Chia sẻ về những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn Vũ Quang Thọ cho biết, bên cạnh vai trò của tổ chức công đoàn, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng và có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; gắn trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến an toàn thực phẩm. Kết quả vi phạm phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì như vậy mới có tác dụng răn đe.
“Quan trọng là làm sao để doanh nghiệp coi sức khỏe của công nhân là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp cần phải bảo vệ,” ông Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.
Nghị quyết “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động” ra đời, các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh mới có những động thái tích cực hướng đến quyền lợi của người lao động. Câu chuyện về cải thiện chất lượng bữa ăn ca đã có những dấu hiệu khả quan./.
Ý kiến ()