Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 20:19 (GMT +7)
Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển
Thứ 6, 27/10/2017 | 14:56:00 [GMT +7] A A
“Các rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân hiện nay nhiều đến nỗi chính quyền chỉ lo đi giải quyết vướng mắc đã hết thời gian. Trong khi các doanh nghiệp mong chờ chính quyền đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho hay.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) 2017: “Kiến tạo môi trường cho DN tư nhân phát triển” do Báo Diễn đàn DN và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức chiều 26/10, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn đã nêu lên những khó khăn, rào cản của DN tư nhân khi tiếp cận thị trường.
DN tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản khi đầu tư kinh doanh. Ảnh: Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang (Lê Huy Hải/TTXVN) |
Theo ông Đoàn, chính sách của nhà nước đa phần là đúng, nhưng bộ máy thực thi chính sách ở bên dưới thì còn nhiều vấn đề. Một phần chính là vì năng lực yếu kém, một phần cố tình gây khó cho DN để có “lót tay”.
Ông Đoàn đề xuất, bộ máy chính quyền nên tạo điều kiện để các DN có năng lực cũng có thể tham gia được vào bộ máy để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Đoàn dẫn chiếu tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng đã cho phép để người nước ngoài tham gia điều hành chính sách quốc gia.
Trong những khó khăn của DN tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh đến khó khăn về tiếp cận đất đai. Theo các nghiên cứu của mình, ông Tuấn cho biết, trên 70% DN nói gặp khó khăn trong mở rộng mặt bằng kinh doanh. Không chỉ là chuyện giá đất cao, giải phóng mặt bằng chậm… mà thủ tục hành chính đất đai còn phức tạp.
Chuyên gia kinh tế Đặng Hùng Võ cho rằng, bên cạnh những trụ cột cơ bản cần quan tâm tháo gỡ để DN tư nhân có thể chuyển mình như đất đai, vốn, thời gian, thủ tục tiếp cận thị trường… cần đặc biệt quan tâm xây dựng văn hóa thị trường, văn hóa kinh doanh. Tại nhiều nước, đây là bản sắc quốc gia, nhưng ở Việt Nam thậm chí DN còn không biết văn hóa thị trường là gì.
Các chuyên gia và DN thảo luận về tháo gỡ khó khăn cho DN tư nhân. |
Bình luận về Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, Nghị quyết 19 mới tháo gỡ khó khăn về chi phí và thời gian để DN gia nhập thị trường. Trong khi thực tế, DN vẫn gặp rủi ro trong suốt quá trình hoạt động.
Nếu được tiếp tục sửa đổi chính sách để hỗ trợ cho DN tư nhân, ông Hiếu cho biết, cần sửa pháp luật về đất đai để DN dễ tiếp cận, đây là ưu tiên số 1. Thứ hai, thực thi sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn rất yếu nên hàng nhái hàng giả tràn ngập. Do đó, cần hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu lưu ý: Nhà nước đang có những động thái can thiệp vào thị trường bằng việc quy hoạch như vùng này trồng bao nhiều ha chuối, nuôi bao nhiêu tấn lợn… Điều này làm sai lệch thị trường khiến DN mất sự tự chủ trong đầu tư.
“Nếu nhà nước mạnh dạn tin vào thị trường, không can thiệp vào thị trường, để thị trường tự điều chỉnh thì DN sẽ tự tìm ra con đường đi đúng đắn”, ông Hiếu đề nghị.
Theo các chuyên gia, khu vực kinh tế tư nhân đã làm nên sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của nó.
Ý kiến ()