Thứ Ba, 11/02/2025 15:39 (GMT +7)

Kiến Tường nhiều hộ dân xã biên giới có thu nhập ổn định từ bán lục bình khô

Thứ 3, 11/02/2025 | 09:38:13 [GMT +7] A  A

Tận dụng nguồn lục bình trên sông, kênh rạch sẵn có, nhiều bà con tại các xã biên giới Bình Hiệp, Bình Tân thị xã Kiến Tường hàng ngày vẫn tất bật với công việc cắt, phơi lục bình để bán cho thương lái, kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Không biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng hình ảnh này đã trở thành một nét đặc trưng của người dân vùng sông nước.

Kiến Tường nhiều hộ dân xã biên giới có thu nhập ổn định từ bán lục bình khô.

Nghề này làm quanh năm, có người chỉ dựa vào nghề cắt lục bình để trang trải cuộc sống hàng ngày, có người thì tranh thủ việc gia đình, sau đó cắt lục bình để kiếm thêm thu nhập. Công việc của họ thường bắt đầu từ lúc 2 đến 3 giờ sáng, tranh thủ trời còn mát đi cắt, đến khi nắng gắt đem lục bình về phơi. Có người tự cắt, rồi phơi khô để bán cho thương lái, cũng có người chuyên đi cắt lục bình thuê cho các hộ khác.... Sau khi vớt lên, lục bình được cắt bỏ lá rễ, chỉ lấy đoạn thân với độ dài khoảng 7 - 8 tấc, trung bình khoảng 15 kg lục bình tươi sẽ cho 1 kg lục bình khô. Có dịp theo chân những người mưu sinh bằng nghề cắt lục bình mới thấu hiểu và thấy thương họ nhiều hơn. Đa phần những người làm công việc này đều là phụ nữ tuổi trung niên, cái nắng, cái gió của vùng sông nước đã làm cho họ trở nên già dặn, nước da cũng đen sạm đi. Bàn tay chai sần, nước ăn khóe bàn chân, bàn tay đau rát, đôi khi sơ sẩy thì tay chân chảy máu là chuyện thường như cơm bữa.....

Dù vất vả, khó khăn là vậy, nhưng nghề cắt lục bình mang lại nguồn thu nhập khá ổn định. Giá bán lục bình khô tùy vào thời điểm, thời tiết, nhưng với giá được thương lái thu mua tại nhà dao động trên dưới 22 ngàn đồng/kg, thì trung bình mỗi ngày một người tạo thu nhập trên dưới 250 ngàn đồng, số tiền này không hề nhỏ với người dân vùng nông thôn. Thu nhập ổn định mỗi tháng từ nghề “lấy công làm lời” cắt và phơi lục bình để bán đã giúp nhiều gia đình cải thiện chất lượng cuộc sống, vì vậy từ nghề phụ kiếm thêm thu nhập thì nay cắt, bán lục bình khô đã trở thành nghề chính của nhiều gia đình tại các xã biên giới của thị xã Kiến Tường.

Hoài Phương

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu