Các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu đều tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố.
Đây là nhận định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế, thu chi ngân sách ba tháng đầu năm 2016 trên địa bàn.
Nhiều lĩnh vực kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ba tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố ước đạt gần 221.820 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 27,7%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 175.123 tỷ đồng, tăng 11,6%.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhờ những giải pháp tích cực như gặp gỡ đối thoại, trao đổi các thông tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước về ngành hàng, thị trường xuất khẩu, các thông tin dành cho khách mua hàng và nhà đầu tư nước ngoài, các tin tức hoạt động xúc tiến thương mại… nên đã góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển.
Một số lĩnh vực quan trọng khác cũng có tăng trưởng mạnh như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố trong ba tháng ước đạt 6,7 tỷ USD, tăng 0,1% so cùng kỳ năm trước.
Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 5,72% so cùng kỳ; trong đó, một số ngành tăng cao như sản xuất đồ uống tăng 23,19%, giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,2%, sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 18,33%, máy móc thiết bị tăng 12,9%…
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố, sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so cùng kỳ do các giải pháp được triển khai hiệu quả, khó khăn về vốn của doanh nghiệp cơ bản được giải quyết kịp thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt vào thời điểm trước Tết Bính Thân. Thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, vốn huy động và tín dụng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực; tỷ giá diễn biến theo xu hướng ổn định, thị trường vàng được đảm bảo.
Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng đầu tư nước ngoài có 158 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 192,4 triệu USD (so cùng kỳ tăng 58% về số dự án và giảm 66,3% về vốn).
Ngoài ra, có 39 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 85,7 triệu USD (so cùng kỳ tăng 11,4% về số dự án và giảm 47,7% về vốn điều chỉnh). Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 278,1 triệu USD, giảm 62,2% so cùng kỳ.
Về thu ngân sách trên địa bàn, Sở Tài chính thành phố cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trong ba tháng đầu năm ước thực hiện 71.955 tỷ đồng, đạt 24,12% dự toán, tăng 0,92% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 47.300 tỷ đồng, đạt 26,63% dự toán, tăng 11,92% so cùng kỳ.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh
Theo dự báo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quý 2/2016 có nhiều thuận lợi từ các chính sách, chủ trương của Trung ương, đồng thời thị trường thế giới tiếp tục tăng trưởng tốt tạo điều kiện cho kinh tế thành phố tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh từ các hiệp định quốc tế là thách thức lớn đối với thành phố trong thời gian sắp tới.
Để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới trong bối cảnh trên, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, mạnh mẽ để đẩy mạnh tăng tưởng kinh tế, trong đó tập trung thực hiện nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Cụ thể, Thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư vào các ngành mà Thành phố khuyến khích phát triển, như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Ông Sử Ngọc Anh cho biết Thành phố tập trung thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường vào các ngành mà thành phố khuyến khích phát triển như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng, công nghiệp-nông nghiệp công nghệ cao…
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các sở ngành thành phố thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu mục tiêu; tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền Thành phố, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cụ thể về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm giúp doanh nghiệp hiểu chính xác và đầy đủ về các nội dung cốt lõi của TPP để định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Với những giải pháp cơ bản trên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu các sở ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, nhà đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi khí đến đầu tư tại thành phố với phương châm tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư làm ăn hiệu quả, qua đó chính là giúp thành phố tiếp tục phát triển./.
Ý kiến ()