Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 09:27 (GMT +7)
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội
Thứ 2, 09/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Sau 3 ngày kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt trên 97%, có 4 thí sinh bị đình chỉ thi. Theo đánh giá, phương thức thi này giúp hạn chế tối đa các tiêu cực, giảm căng thẳng không chỉ cho thí sinh, mà cả giám thị.
Mỗi thí sinh một đề
Trong ngày 7/5, ngày thứ 3 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, tổng số thí sinh dự thi đánh giá năng lực chiếm tỷ lệ 97,3% trong tông số hơn 12.200 thí sinh; có 15 thí sinh phải chuyển ca thi.
Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi đánh giá năng lực chung tuy có nhiều câu hỏi với kiến thức tổng hợp nhưng nội dung không quá khó, câu hỏi đảm bảo từ dễ đến khó, phù hợp với năng lực của học sinh và bám sát chương trình học.
Đoàn kiểm tra của Bộ GD – ĐT kiểm tra một phòng thi đánh giá năng lực. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội |
Chia sẻ về quyết định tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh Nguyễn Quỳnh Phương (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Khi tham gia kỳ thi này, em có nhiều cơ hội hơn để trúng tuyển vào đại học, đồng thời giúp em chuẩn bị kiến thức tốt hơn khi bước vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sắp tới.
Còn thí sinh Đàm Thảo Ly (Hà Nội) nhận xét: Việc tổ chức bài thi đánh giá năng lực trên máy tính rất tiện lợi, hạn chế được tiêu cực và giảm bớt các thủ tục cho thí sinh. Đối với thi truyền thống trên giấy, khi làm bài, thí sinh phải điền thông tin nhiều lần vào các tờ giấy thi, khá mất thời gian.
Theo đại diện trường ĐH Quốc gia Hà Nội, mỗi thí sinh dự thi có 1 đề thi riêng. Đề thi do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu nguồn gồm hai phần: Bắt buộc và tự chọn. Độ khó của các câu hỏi được phân định theo tỷ lệ: 20% dễ, 60% trung bình và 20% khó.
Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc như sau: 10% trong chương trình lớp 10; 20% chương trình lớp 11; 70% chương trình lớp 12.
Phần bắt buộc được chia thành hai nhánh: “Tư duy định lượng” và “Tư duy định tính. Với phần tự chọn, thí sinh chọn một trong hai nội dung: kiến thức Khoa học Tự nhiên gồm vật lý, hóa học, sinh học hoặc kiến thức Khoa học Xã hội gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Sau 2 phút, nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung trên, máy tính sẽ mặc định chọn Khoa học Tự nhiên.
Ngày càng chuyên nghiệp
Bước sang năm thứ hai tổ chức, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ sử dụng kết quả để tuyển sinh vào các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội mà đã mở rộng sang một nhóm trường khác. Điều này cho thấy sự quan tâm của các trường đối với một phương thức tuyển sinh mới và sẵn sàng “nhập cuộc” sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Trong các năm tiếp theo, trường sẵn sàng chia sẻ kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đối với các trường khác. Vì chỉ tiêu vào trường có hạn nên việc mở rộng các trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực sẽ giảm bớt việc lãng phí nguồn lực phục vụ sơ tuyển đầu vào.
Về vấn đề nếu các trường đại học top trên muốn sử dụng chung kết quả thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội có lo ngại ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh hay không, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Nếu có nhiều trường top đầu cùng tham gia tổ chức và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực thì sẽ thu hút được nhiều thí sinh học lực khá, giỏi tham gia thi tuyển. Từ đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm cơ hội tuyển chọn thí sinh cũng như khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã chuẩn bị các điều kiện để có thể chia sẻ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Về phần mềm và tổ chức đăng ký trực tuyến, quy trình hoàn toàn có thể đáp ứng cho số lượng thí sinh rất đông. Song nếu mở rộng phương thức thi này cho số lượng thí sinh rất lớn thì các trường cần phải hợp sức, chuẩn bị cơ sở vật chất (đường truyền, thiết bị…) một cách bài bản, chính quy, sử dụng ổn định trong nhiều năm.
Ý kiến ()