Thứ Bảy, 30/11/2024 05:03 (GMT +7)

Lãi cả nghìn tỷ, vì sao EVN vẫn tăng giá điện?

Thứ 7, 02/12/2017 | 09:00:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ gồm các chi phí giá điện mà không bao gồm các chi phí ngoài sản xuất điện.

Tại cuộc họp báo chính phủ chiều 1/12, PV đã đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Công Thương lý do tăng giá điện khi năm 2016 Tập đoàn điện lực Việt Nam vẫn lãi tổng cộng hơn 2.600 tỷ đồng (dù riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ gần 600 tỷ)?

lai nghin ty nhung vi sao evn van tang gia dien hinh 1

Trả lời báo chí về tăng giá điện 6,08% từ ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết giá điện hay bất kỳ giá của các mặt hàng thiết yếu nào đều được Chính phủ hết sức quan tâm. Như việc tăng giá điện lần này, yếu tố xem xét là liệu ảnh hưởng đến GDP, CPI, hay ảnh hưởng như thế nào đến giá cả các mặt hàng xi măng, sắt thép…

Ông Hải nói thêm giá điện từ năm 2015 không điều chỉnh trong khi giá đầu vào của sản xuất ngành điện tăng mạnh. Tại cuộc họp Chính phủ hôm nay, Chính phủ cũng giải thích tại sao phải tăng giá điện.

Điều chỉnh giá điện của EVN, tại sao tăng và tăng bao nhiêu thì bộ Tài chính, Ủy ban kinh tế Quốc hội… đánh giá, nhất là có sự kiểm toán độc lập của công ty kiểm toán Deloitte.

Nguyên tắc tính chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ gồm các chi phí giá điện mà không bao gồm các chi phí ngoài sản xuất điện.

Về thắc mắc vì sao EVN có lãi mà vẫn tăng giá điện theo đánh giá của các phóng viên tham dự họp báo là chưa được lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời thoả đáng.

Liên quan việc tăng giá điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng bày tỏ sự bất ngờ. Ông Hùng đề nghị cần công khai minh bạch hơn nữa để người dân hiểu và chia sẻ trong việc điều chỉnh giá điện. Theo ông Hùng, giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến chi trả của người tiêu dùng, mà điện là đầu vào của ngành sản xuất, phải chấp nhận nhiều mặt hàng khác tăng giá.

“Nếu đại diện người tiêu dùng được tham vấn, giá bán điện sẽ minh bạch, có lợi hơn cho Nhà nước và người dân. Trong quan hệ mua bán nếu chỉ có người bán ra quyết định về giá, mà không có sự tham vấn ý kiến từ người mua thì chưa hợp lý” – ông Hùng nói./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu