Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 09:54 (GMT +7)
Làng nghề truyền thống Cần Đước tất bật vào xuân
Thứ 5, 30/12/2021 | 17:17:00 [GMT +7] A A
Khi tiết trời se lạnh, nhiều gia đình ở Cần Đước bắt đầu hối hả chuẩn bị nguyên liệu làm bánh phồng, bánh in và các loại mứt để kịp phục vụ cho khách hàng dịp Tết. Đây là những nghề truyền thống lâu đời, được gìn giữ và phát triển đến hôm nay. Đối với họ, đó không chỉ là truyền thống gia đình mà còn là nghề đem đến thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, thị trường bánh, mứt vào dịp tết ngoài những loại bánh, mứt nhập khẩu thì bánh in – một trong những đặc sản của Cần Đước được nhiều người ưa chuộng. Thời điểm này, nhiều cơ sở làm bánh in tại Long Hựu đang tập trung sản xuất bánh với số lượng nhiều hơn để cung ứng thị trường Tết cũng như làm quà biếu người thân và bạn bè, là món quà quê hương, chắc chắn sẽ làm ấm lòng người thân hay những du khách đường xa.
Chị Võ Thị Muội ở ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông – nhiều năm có kinh nghiệm làm bánh cho biết: Cơ sở chị chủ yếu làm bánh in nhân gừng và chuối. Để làm nên những chiếc bánh in vừa bắt mắt, vừa ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Gừng xắt nhuyễn sên với đường, chuối xiêm cán dài, phơi khô được xào cùng đậu phộng rang, mè để làm nhân bánh. Ngày thường các cơ sở làm bán cho khách trong xóm và các tiệm tạp hóa lân cận. Dịp tết số lượng gấp 10 lần theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài huyện với giá 6.000 đồng/cái, thu nhập tăng cao hơn ngày thường. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên số lượng khách đặt giảm khoảng 30%. Lượng bánh làm ra cũng ít hơn so với mọi năm.
Không riêng gì bánh in Long Hựu, những ngày này tại xã Mỹ Lệ, người dân lại rộn ràng tiếng chày, quết bánh phồng phục vụ thị trường Tết. Đây là nghề truyền trống lâu đời và cũng là một nét văn hóa đặc trưng trong dịp Tết cổ truyền của người dân nơi đây. Bánh phồng Mỹ Lệ được làm từ 2 nguyên liệu chính là khoai mì và nếp, ngoài ra, còn có thêm đường cát trắng và nước cốt dừa để tạo độ ngọt và béo cho bánh. Làm bánh phồng tốn nhiều công sức, bởi để có được một cái bánh thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, từ củ khoai mì, người thợ đem gọt vỏ, hấp lên cho chín. Sau đó, loại bỏ xơ ở giữa, đem xay thành bột. Kế tiếp, người thợ dùng bột này ngào chung với đường, sữa, mạch nha,… cho đến khi bột mịn rồi mới đem tráng mỏng, sau đó đem phơi cho bánh dẻo. Cuối cùng là đóng gói bảo quản.
Gia đình ông Nguyễn Văn An, ngụ ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ – cho biết: Một ngày của những người làm nghề bánh phồng khá vất vả khi phải thức đêm lẫn ngày làm bánh và phơi bánh. Những năm về trước, nghề làm bánh phồng ở đây rất thịnh, người dân làm quanh năm mà không đủ để giao cho khách. Nhưng giờ chỉ còn ít hộ làm và hầu như chỉ làm vào tháng Chạp để phục vụ thị trường Tết. Đợt Tết, trung bình mỗi ngày, gia đình làm 1.000 cái bánh phồng các loại, với giá từ 200 ngàn/100 bánh, tùy vào kích thước và loại bánh. Mỗi mùa Tết, gia đình ông kiếm thêm được từ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 thương lái đầu mối từ TP.HCM, Bình Dương,… tìm đến đặt hàng đặt đã giảm gần 50% so với mọi năm.
Bên cạnh các làng nghề truyền thống, nhiều hộ gia đình tại Cần Đước tất bật làm các loại mức, không chỉ để bán, để ăn, đãi khách dịp Tết mà còn là quà biếu được nhiều người ưa chuộng. Đến gia đình chị Nguyễn Thị Thủy – ấp 3 Phước Đông thời điểm này, cũng là lúc chị đang đang sên những mẻ mứt gừng đầu tiên. Mùi thơm hòa với vị cay nồng đặc trưng của mứt gừng như lan tỏa khắp gian bếp. Những người con của chị cũng quây quần ở gian bếp nhỏ ấy và đang loay hoay chuẩn bị mẻ gừng thứ hai.
Chị cho biết : Để cho ra một mẻ gừng thơm ngon, gừng được chọn kỹ từng củ, vừa đủ độ già để không có xơ, miếng mứt làm ra cũng ngon hơn. Làm mứt tết gần như trở thành truyền thống của gia đình chị. Năm nào dịp tết chị cũng làm từ 50 -100kg mứt biếu người quen và bán cho nhiều khách quen tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua mỗi năm, kinh nghiệm thêm dày dặn, những người làm mứt gừng tết điều biết chính xác gừng phải ướp bao nhiêu đường, phơi bao nhiêu nắng thì mới tạo ra mẻ mứt vừa thơm ngon và bắt mắt.
Nghề làm bánh, mứt của người dân Cần Đước bao đời vẫn vậy, họ vẫn cần mẫn trong mọi thời gian, vẫn giữ nét riêng của vùng đất mặn. Dù ai xa quê nhưng khi dịp tết đến xuân về vẫn không thể nào quên được vị ngọt ngọt, cay cay của củ gừng, béo béo thơm thơm của vị bánh phồng và hương vị mặn của bánh in Long Hựu, bởi, đó vừa là ẩm thực ngày xuân, vừa là nét đặc trưng của quê hương. Những món bánh, mứt tự làm ấy còn đặc biệt ý nghĩa với những người con đi học, đi làm xa quê chỉ về nhà trong dịp tết, như được tìm về với tuổi thơ, với cuộc sống yên bình thay cho những chuỗi ngày tất bật ở nơi xa trong suốt 1 năm học hành, làm việc vất vả. Với ý nghĩa này, mỗi độ xuân về, các làng nghề sản xuất bánh, mứt truyền thống tại Cần Đước lại tất bật vào mùa để phục vụ nhu cầu khách hàng gần xa, thể hiện rõ nét đặc trưng của con người và vùng đất nơi đây.
Kim Thoa
Ý kiến ()