Thứ Tư, 27/11/2024 02:53 (GMT +7)

Lắp thiết bị giám sát an ninh cho tất cả nguồn phóng xạ

Thứ 4, 13/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân dự kiến sau 1/4/2016, tất cả các nguồn phóng xạ sẽ được lắp thiết bị giám sát an ninh để an toàn, phòng tránh mất cắp.

Nguồn phóng xạ sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế… ngày càng tăng cao về số lượng cùng với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp thì nguồn phóng xạ được sử dụng ở rất nhiều dây chuyền lớn từ sản xuất sữa, kẹo, đường… cho đến xi măng, hóa dầu. Như vậy, công tác quản lý an ninh, an toàn nguồn phóng xạ ngày càng khó khăn và phức tạp hơn.

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân là cơ quan quản lý về an toàn bức xạ hạt nhân trực thuộc Bộ Khoa học và công nghệ tiếp tục xây dựng hoàn thiện văn bản pháp quy để quản lý chặt chẽ nguồn phóng xạ, đảm bảo an ninh, an toàn. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân về các giải pháp tăng cường quản lý nguồn phóng xạ.

Gắn hộp định vị vào khung thép chứa phóng xạ tại Công ty Apave ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ảnh: Đoàn Mạnh Dương-TTXV

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17 ngày 10/7/2015 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật, tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Nhưng vẫn xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ tại Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn, ông nhận xét gì về điều này?
Ông Vương Hữu Tấn: Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17 về tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Đồng thời yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ và có chế tài đủ mạnh để nâng cao hiệu lực thi hành.

Mặc dù các địa phương và các Bộ, ngành vẫn tích cực triển khai Chỉ thị, song sự cố mất nguồn phóng xạ vẫn xảy ra tại Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn. Đáng lưu ý là nguồn phóng xạ này được Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cấp giấy phép cho cơ sở này năm 2010 và giấy phép có hạn đến tháng 8/2013, sau đó Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn trong tình trạng phá sản, không xin cấp phép và vấn đề bảo vệ không được chú ý nên đã xảy ra việc mất nguồn phóng xạ. Do Công ty trong tình trạng bị phá sản, tài sản Công ty bị phát mãi nên ngân hàng quản lý, mà ngân hàng không nắm được quy định quản lý nguồn phóng xạ nên đã xảy ra mất, đây cũng là kẽ hở trong công tác quản lý. Cùng với vi ệc mất nguồn phóng xạ do hệ thống quản lý còn kẽ hở, thì ý thức trách nhiệm về bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ của cơ quan quản lý, cơ sở và cá nhân tiến hành công việc bức xạ còn thấp, quy trình quản lý nguồn phóng xạ bị buông lỏng đã để xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ.

Phóng viên: Sau khi xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ tại Bắc Kạn, việc triển khai tìm kiếm và mức độ ảnh hưởng của nguồn phóng xạ này như thế nào, thưa ông?

Ông Vương Hữu Tấn: Nguồn phóng xạ bị mất tại Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn là nguồn phóng xạ Cs-137. Theo phân loại của Quy chuẩn Việt Nam 6:2010/BKHCN về phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ cũng như theo tài liệu của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nguồn bị mất thuộc nhóm V, nhóm nguồn phóng xạ có tỉ số hoạt độ tổng cộng trên hoạt độ riêng nhỏ hơn 0,01 nên loại nguồn nay không gây nguy hiểm cho con người, cũng như không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ này khi tiếp xúc gần.

Ngay sau khi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn báo cáo sự cố mất nguồn tại Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu lập đoàn công tác do Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đến làm việc với địa phương để hỗ trợ xử lý, tìm kiếm và xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan. Đồng thời khi xảy ra sự cố, về phía tỉnh Bắc Kạn cũng đã khởi động kế hoạch ứng phó sự cố, thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn làm tổ trưởng để chỉ đạo công tác tìm kiếm và xây dựng những kịch bản tìm kiếm.

Hình ảnh cục phóng xạ của Nhà máy thép Pomina 3 (Bà Rịa-Vũng Tàu) bị mất cắp hồi tháng 4/2015. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương – TTXVN

Giá trị nguồn phóng xạ mất cắp không cao chỉ khoảng 6 triệu đồng nên việc lấy cắp nguồn để buôn bán là “khó” xảy ra. Bên cạnh đó, việc buôn bán phóng xạ là phi pháp và việc sử dụng, vận chuyển phải có giấy phép. Việc lấy cắp nguồn này để bán phế liệu là có khả năng xảy ra bởi nguồn được đặt trong bình bằng chì nặng từ 5-7 kg. Do đó, phương án tìm kiếm vẫn tập trung vào các cơ sở thu mua phế liệu hoặc các cơ sở đúc chì, cơ sở tái chế sắt thép trên địa bàn và trong khu vực. Ngoài ra, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng đã hỗ trợ địa phương bộ thiết bị tìm kiếm nguồn phóng xạ hiện đại với độ nhạy rất cao và độ phân giải rất tốt để hỗ trợ công tác tìm kiếm, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra được nguồn phóng xạ bị mất. Hiện tỉnh vẫn tiếp tục phương án truy tìm nguồn phóng xạ và sẽ có báo cáo Thủ tướng các phương án truy tìm nguồn.

Sau sự cố mất nguồn phóng xạ này, về phía Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sẽ phải làm việc với tỉnh và các đơn vị liên quan để xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm như: Việc vi phạm khi nguồn phóng xạ đến ngày 31/8/2013 đã hết hạn mà không xin giấy phép lại; Đơn vị lưu giữ nguồn phóng xạ mà không có giấy phép cũng là sai phạm… Theo đó, Cục sẽ căn cứ trên hành vi vi phạm để có xử phạt đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Phóng viên: Thưa ông, sau sự cố mất nguồn này, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có những giải pháp gì để không còn tình trạng đáng tiếc như trên xảy ra?

Ông Vương Hữu Tấn: Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn báo cáo, Thủ tướng chỉ thị phải xây dựng ngay kế hoạch thực hiện triển khai hiệu quả công tác quản lý nguồn phóng xạ. Hiện số lượng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng rất lớn, ngay tại địa bàn Hà Nội có tới 17 nguồn phóng xạ tương tự nguồn phóng xạ tại Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn cần quản lý. Cũng tại hội nghị pháp quy tại Đà Lạt vào tháng 5/2015, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội báo cáo có 35 nguồn phóng xạ cần lưu giữ, quản lý. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng có nguồn phóng xạ cần quản lý nên cần có giải pháp để quản lý chặt chẽ. Trong cuộc họp Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã kiến nghị giải pháp kỹ thuật là nâng cấp các kho nguồn khu vực để giúp cho việc lưu giữ các nguồn phóng xạ qua sử dụng đảm bảo an toàn, an ninh. Dự kiến trong năm 2016, thu gom hết tất cả các nguồn phóng xạ hiện nay đã qua sử dụng nhưng lưu giữ ở những cơ sở không có đủ điều kiện quản lý tốt nhất để tránh xảy ra sự cố tương tự vừa qua.

TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu