Đến dự có các đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại; cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan báo chí đối ngoại Việt Nam và các tác giả đạt giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ hai.
Sau 3 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 737 tác phẩm tham dự giải, tăng 43% so với giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ nhất – năm 2014; trong đó loại hình báo in có 319 tác phẩm; báo điện tử có 158 tác phẩm; phát thanh có 56 tác phẩm; truyền hình có 103 tác phẩm; ảnh báo chí có 68 tác phẩm và 33 tác phẩm thuộc các loại hình khác.
Các tác phẩm dự giải được thể hiện bằng 11 thứ tiếng gồm Việt Nam, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào và Bulgaria. Đối tượng tham gia cuộc thi không chỉ là các nhà báo, cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong nước mà còn có người Việt Nam ở nước ngoài, các phóng viên nước ngoài, đạo diễn, chuyên gia, nhà nghiên cứu…
Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn ra 70 tác phẩm để trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích theo 5 loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí, trong đó có 6 giải Nhất, 13 giải Nhì, 18 giải Ba và 33 giải khuyến khích.
Tổng kết cuộc thi, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Công tác thông tin đối ngoại, Trưởng Ban Chỉ đạo giải thưởng cho biết: “Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ hai – năm 2015 đã có một bước phát triển mới so với giải được tổ chức lần đầu năm 2014, thể hiện qua số lượng các tác phẩm, tác giả đều tăng; thể loại, đề tài phong phú, đa dạng hơn; chất lượng các tác phẩm dự giải đồng đều hơn và chất lượng các tác phẩm đạt giải cũng cao hơn so với năm trước. Đặc biệt, số lượng các tác phẩm bằng tiếng nước ngoài, số tác giả là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều tăng”.
Ông Phạm Văn Linh cho rằng, mặc dù còn có những hạn chế nhất định nhưng kết quả trên cho thấy việc tổ chức giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại là một hướng đi đúng đắn, cần thiết, góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, cổ vũ, động viên kịp thời các cơ quan báo chí, các nhà báo thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại.
Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc mừng thành công của giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ hai, chúc mừng các tác giả đạt giải; đồng thời khẳng định uy tín của giải đã được nâng cao và qua đó cũng khẳng định vai trò rất quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại hiện nay.
Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng lưu ý: “So với yêu cầu nhiệm vụ, công tác thông tin đối ngoại còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Đó là lượng thông tin còn mỏng, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu và phản ứng trước những vấn đề lớn, phức tạp còn chậm dù trong những năm qua chúng ta đã có rất nhiều cố gắng để từng bước khắc phục tình hình đó”.
Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định, hiện nay công tác thông đối ngoại có những thuận lợi bởi quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế là thời cơ để các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại đẩy mạnh hoạt động. Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại đang gặp không ít những khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; tình hình trong nước có những vấn đề rất mới, cả thuận lợi và khó khăn. Các cơ quan báo chí phải chủ động để nắm bắt kịp thời, lý giải thấu đáo, thông tin đúng, trúng, sinh động và hấp dẫn, đáp ứng đòi hỏi và nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng./.
Ý kiến ()