Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật, 1 Nghị quyết và 1 Pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, gồm:
Luật Trẻ em; Luật Báo chí; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Dược; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Điều ước quốc tế; Nghị quyết về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Pháp lệnh Quản lý Thị trường.
Một số Luật được công bố có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Luật Báo chí quy định công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với các cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó.
Về quyền tác nghiệp của báo chí, luật quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trác nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo được luật hóa, trong đó, Luật quy định Hội nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật Dược quy định ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Về quản lý nhà nước về giá thuốc, Luật quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế xã hội. Đồng thời, phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc. Cơ chế quản lý giá thuốc rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn độc quyền sáng chế, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế quy định: doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Luật bổ sung quy định dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Về mức thuế được miễn nộp ngân sách nhà nước, Luật bổ sung quy định miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống để cải cách thủ tục hành chính.
Luật sửa đổi quy định về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại luật quản lý thuế theo mức bằng 0,03%/ngày (thay cho mức 0,05%/ngày) tính trên số tiền thuế chậm nộp để phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, giảm áp lực cho người nộp thuế./.
Ý kiến ()