Thứ Năm, 28/11/2024 00:10 (GMT +7)

Liên kết chuỗi: Giải pháp hạ giá thành cho ngành chăn nuôi

Thứ 2, 03/04/2017 | 11:50:00 [GMT +7] A  A

Từ cuối năm 2016 đến nay, giá thịt lợn liên tục giảm sâu, tiếp đến giá gia cầm cũng giảm mạnh khiến người chăn nuôi chịu thua lỗ nặng nề. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ người chăn nuôi phải treo chuồng đang hiện hữu.

Giá thịt lợn hơi giảm sâu, có thời điểm giá chỉ còn 25.000 – 26.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là cung vượt cầu, người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn bất chấp khuyến cáo của ngành chăn nuôi… Theo các chuyên gia, giải pháp tối ưu lúc này là giảm giá thành sản xuất, đồng thời cần tổ chức lại sản xuất, ổn định đàn nuôi.

Tại Đồng Nai, địa phương có ngành chăn nuôi lớn nhất cả nước, có thời điểm giá thịt lợn hơi chỉ còn 25.000 – 26.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua, khiến người chăn nuôi lỗ nặng từ 1 – 1,5 triệu đồng/con. Mặc dù, hiện giá thịt lợn hơi đã tăng lên khoảng 35.000 – 37.000 đồng/kg, nhưng người chăn nuôi vẫn chưa thoát khỏi cảnh thua lỗ.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang rất “sốt ruột” vì giá lợn hơi giảm suốt thời gian qua. Theo tính toán, giá thành sản xuất tương đương 39.000 đồng/kg, nhưng giá bán hiện vẫn thấp hơn mức này và người chăn nuôi vẫn đang lỗ”.

Trong khi đó, những ngày đầu tháng 3/2017, giá gà công nghiệp lông màu bán ra tại các trang trại ở Đồng Nai cũng đã xuống mức 20.000 đồng/kg, gà lông trắng chỉ còn 12.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai bày tỏ, 10 năm trở lại đây, mặc dù đã xảy ra nhiều đợt dịch bệnh trên gia cầm nhưng chưa có năm nào giá gà lại thấp như năm nay.

Anh Nguyễn Văn Cường, quản lý trại gà ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Đồng Nai cho hay, trang trại có quy mô khoảng 30.000 con gà. Trước Tết anh xuất bán hết, sau Tết tính thả lứa mới thì giá rớt xuống chỉ còn 22.000 đồng /kg.

Theo anh Cường, mặc dù giá tụt giảm quá thấp, nhưng trang trại của anh vẫn tiếp tục phải thả gà con. Lý do anh Cường cho biết là nếu không thả gà thì chuồng trại để lâu sẽ bị mục hư hỏng, mặt khác nếu không nuôi gà thì cũng không biết làm gì khác.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do tăng trưởng quá “nóng” của ngành chăn nuôi trong năm 2016, tới mức 5,8%. Trong khi đó, báo cáo của ngành nông nghiệp, giai đoạn 2010 – 2015, ngành chăn nuôi tăng trưởng từ 4,5 – 5%. Phần khác là do phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt lợn.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, một nguyên nhân nữa là trong khi mọi sản phẩm đầu ra của chăn nuôi bán ra đều giảm, nhưng giá các loại đầu vào chỉ có con giống là giảm, nhưng không đáng kể. Còn lại thức ăn, thuốc thú y, nước… đều tăng chóng mặt, kéo theo chi phí chăn nuôi tăng cao, đẩy nhiều hộ chăn nuôi đến bờ vực phá sản.

TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên còn là do sự thiếu phối hợp giữa người sản xuất với thị trường, doanh nghiệp để tạo ra các chuỗi liên kết ổn định.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, để thịt lợn đến được tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều khâu trung gian như thương lái, giết mổ và các tiểu thương bán ngoài chợ. Trong khi đó, Hà Nội mới xây dựng được 8 chuỗi cung ứng thịt cho người dân, chiếm khoảng 1% so với thực tế. Do vậy, việc thương lái đang điều khiển thị trường khiến người tiêu dùng và người chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề.

Để giải quyết bài toán này, theo các chuyên gia, cần thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường để người chăn nuôi định hướng sản xuất, không tăng đàn ồ ạt, tổ chức nhiều hơn các hệ thống phân phối, cắt bớt khâu trung gian.

“Cần tổ chức lại hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối theo chuỗi, hạn chế các khâu trung gian để giảm giá thành, đồng thời giúp các hộ chăn nuôi không bị tư thương ép giá”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.

Còn theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong mô hình chăn nuôi liên kết. Chẳng hạn, Công ty CP đang liên kết rất chặt với các hộ chăn nuôi. Sản phẩm thịt từ các hộ được công ty bao tiêu, chuyển về nhà máy chế biến thành thịt được đóng gói, xúc xích, thịt hộp… Cách làm này giúp người chăn nuôi bớt lo về đầu ra và giá bán cũng ổn định hơn.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo, để tránh tình trạng người chăn nuôi bỏ trống chuồng, gây mất cân đối cung – cầu trong thời gian tới, người chăn nuôi cần tiếp tục ổn định đàn nuôi trong mọi trường hợp và chuyển sang tổ chức sản xuất theo chuỗi.

Còn nếu người chăn nuôi bỏ trống chuồng thì dự báo trong khoảng 4 – 6 tháng nữa, thị trường trong nước sẽ bị thiếu hụt nguồn cung, khi đó giá thịt lợn hơi lại tăng. Do đó, nếu xác định chăn nuôi là một nghề thì khi giá tăng cao, người chăn nuôi không nên ồ ạt tăng đàn, thị trường thịt lợn sẽ mất cân đối cung – cầu.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần liên kết lại với nhau, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã tạo thành các chuỗi liên kết sản xuất. Từ đó, giúp người chăn nuôi chủ động được thị trường, tránh tình trạng mất cân đối cung – cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được vấn đề không phải dễ dàng vì hiện tại ngành chăn nuôi nước ta vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, không phải người chăn nuôi nào cũng có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng quy mô đàn lợn, đàn gà. Và nếu có nâng tổng đàn lên để giảm giá thành thì lại rơi vào quy luật cung vượt quá cầu, giá sẽ giảm như câu chuyện ngành chăn nuôi đang gặp phải hiện nay.

Thành Trung (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu