Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 22:19 (GMT +7)
Linh động các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trên lớp học trực tuyến
Thứ 3, 21/04/2020 | 09:47:00 [GMT +7] A A
Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trên những lớp học trực tuyến, ngành giáo dục một số địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ lớp học online. Đồng thời, có hệ thống ôn tập trực tuyến riêng giúp thầy cô giáo, học sinh tham gia tiết học có hiệu quả .
Ngày 20/4, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết: Để phù hợp với tình hình học sinh phải nghỉ học do phòng, chống dịch COVID-19, thời gian qua, Sở triển khai hệ thống ôn tập trực tuyến tại địa chỉ http://study.hanoi.edu.vn cho học sinh. Đồng thời, Sở cũng phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 với 88 chương trình/tuần.
Các địa phương đã tập huấn cho giáo viên về việc đảm bảo an toàn trên các lớp học online, trực tuyến. Ảnh: TTXVN
Để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên trong quá trình sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy – học qua internet. Giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua internet tin cậy, có uy tín. Khuyến khích các trường sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch COVID-19 và kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, học sinh và cha mẹ học sinh trong dạy học qua internet.
Các nhà trường phải xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; Các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học, không công bố công khai địa chỉ, mật khẩu lớp học, dùng các hệ thống dạy học trực tuyến có theo dõi được quá trình học tập, kiểm tra đánh giá học sinh…
Không những hướng dẫn giáo viên về cách quản lý lớp học, có địa phương còn giới hạn những phần mềm trực tuyến được phép sử dụng.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An khuyến cáo các cơ sở giáo dục, các đơn vị trường học không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ họp, dạy học trực tuyến. Một giải pháp mà ngành giáo dục Nghệ An đang thực hiện là yêu cầu cơ sở sở giáo dục chỉ sử dụng một trong hai hệ thống phần mềm VNPT E-Learning hoặc Viettel Study để họp, dạy học trực tuyến. Khi đăng nhập yêu cầu sử dụng tài khoản, mật khẩu của người dùng (quản trị, cán bộ, giáo viên, học sinh) đã được cấp và tăng cường quản lý dạy học trực tuyến của giáo viên, học sinh tại đơn vị mình.
Nam Định cũng là địa phương có thể tổ chức khảo sát trực tuyến cho học sinh lớp 12 và thực hiện tốt công tác ôn tập cho học sinh khi nghỉ dịch COVID-19.
Để có được kết quả này mà không quá lệ thuộc vào việc sử dụng phần mềm miễn phí quốc tế đang gây rủi ro như hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, một trong những hình thức dạy học được các nhà trường đặc biệt quan tâm là xây dựng các clip, bài giảng E-learning hướng dẫn học sinh tự học.
“Đến thời điểm này, hàng trăm clip, bài giảng điện tử đã được đăng tải trên trang website, fanpage của các nhà trường và được chia sẻ rộng rãi trên Youtube hay các trang cá nhân. Trong thực tế, giáo viên cũng có thể chia sẻ những bài học này trên các trang Zalo, nhóm kín của lớp. Với cách làm này, học sinh chủ động về mặt thời gian. Các em có thể xem đi xem lại, học mọi lúc mọi nơi, từ đó góp phần hình thành và nâng cao ý thức tự chủ, tự học. Cha mẹ học sinh cũng có thể kiểm soát và hỗ trợ các con”, ông Nguyễn Văn Thuận cho biết.
Thực tế, đảm bảo an toàn cho học sinh trên lớp học trực tuyến, online đã được Bộ GD&ĐT đưa ra khuyến cáo ngay khi có sự việc không mong muốn diễn ra.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải (Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT), ngoài các phần mềm học trực tuyến miễn phí như VNPT-E-learning, Viettelstudy, hiện có thêm khoảng gần 10 phần mềm nữa của các doanh nghiệp trong nước hỗ trợ để phục vụ dạy học trực tuyến. Mỗi phần mềm đều có các tính năng giúp giáo viên điều hành, quản lý lớp học. Hiện, Bộ GD&ĐT đang tổng hợp để gửi các địa phương, hướng dẫn thầy cô tham khảo sử dụng.
Lý giải về việc xảy ra tình trạng mất an toàn trên lớp học trực tuyến, ông Nguyễn Sơn Hải cho biết: Trước đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin mới dừng ở trình chiếu trên lớp học trực tuyến nên khi bước vào môi trường dạy học trực tuyến, thầy cô sẽ có những bỡ ngỡ. Chính vì vậy, công tác tập huấn các kỹ năng sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến là rất quan trọng. Khi đã có kỹ năng điều hành một lớp học trực tuyến, giáo viên sẽ tự tin và chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
https://baotintuc.vn/giao-duc/linh-dong-cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-tren-lop-hoc-truc-tuyen-20200420165243917.htm
Ý kiến ()