Thứ Năm, 21/11/2024 23:22 (GMT +7)

Lỗ hổng trong giáo dục âm nhạc phổ thông

Thứ 5, 05/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Giáo dục âm nhạc ở Việt Nam đang cần có sự đổi mới cho phù hợp với bối cảnh hiện tại, hướng tới hòa nhập với thế giới.

Theo PGS.TS Trịnh Hoài Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương, ở nhiều quốc gia trên thế giới người ta đặc biệt quan tâm đến giáo dục nghệ thuật và sự tác động của nó đến sự hình thành nhân cách và trí tuệ của lớp trẻ. Chính vì thế mà nhiều quốc gia như Nga, Mỹ, Ôxtrâylia… đã đưa một số loại hình nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa… vào giáo dục trong nhà trường. Ở nước ta, việc giáo dục nghệ thuật trong các trường phổ thông lại bị xem nhẹ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Phải đến tận năm 2002, các môn nghệ thuật, trong đó có môn Âm nhạc và Mỹ thuật mới được coi là môn học chính thức trong hệ thống giáo dục phổ thông, nhưng chỉ dừng ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS), còn Trung học phổ thông (THPT) thì hoàn toàn bỏ ngỏ.

Cô giáo Bùi Thị Hồng, Trường THPT Dân tộc nội trú Tuyên Quang hướng dẫn học sinh dân tộc trong CLB Then của trường về hát Then – đàn Tính. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Điểm lại chương trình dạy âm nhạc trong trường phổ thông ở Việt Nam cho thấy, ở cấp tiểu học, riêng lớp 1 và lớp 2 được học 12 bài/năm. Từ lớp 3 đến lớp 5 giảm còn 10 bài/năm và bắt đầu học thêm xướng âm. Ở THCS, từ lớp 6 đến lớp 8, các em được học 8 bài/năm, riêng lớp 9 chỉ còn 4 bài. Như vậy, có thể thấy rõ số lượng bài hát giảm dần theo lứa tuổi, và danh sách bài học cố định cho tất cả các vùng miền.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Thị Minh Châu, Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sỹ Việt Nam, giáo trình “đóng khung” danh mục các bài hát đó quả là nhàn cho thầy cô và cũng để các nhà quản lý giáo dục dễ kiểm soát, song điều này làm giảm đi tính linh hoạt của một nghệ thuật luôn cần sự tươi mới và sinh động theo dòng chảy thời gian như âm nhạc. Bên cạnh đó, hầu hết các bài hát trong giáo trình giáo dục âm nhạc phổ thông hiện nay đều có tuổi đời khá cao, được hát qua nhiều thập niên, có nghĩa là những bài hát của tuổi thơ thế hệ giờ đã lên chức ông, chức bà. Chính vì vậy, dù có hay, có thuộc các “bài ca đi cùng năm tháng” đi nữa, thì nội dung lời ca chưa chắc còn phù hợp với tuổi thơ hôm nay.

“Một nền giáo dục tốt không chỉ đóng khung trong việc trang bị kiến thức cho con trẻ, không nhồi sọ quá tải lý thuyết suông, mà quan trọng hơn thế, đó là giúp các công dân tương lai biết thực hành kỹ năng sống, biết cảm nhận cái đẹp trong thiên nhiên, biết rung động trước cái đẹp trong tình người, để từ đó biết sống lương thiện với đúng nghĩa một con người có nhân cách” – NS. Nguyễn Thị Minh Châu, Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường cũng chỉ ra những bất cập trong hệ thống sách giáo khoa về âm nhạc hiện nay như: Về hình thức, một số cuốn sách in chưa đẹp, bị chồng màu, ảnh lúc sử dụng ảnh màu, lúc dùng ảnh đen trắng dẫn đến sự không thống nhất. Về nội dung, một số cuốn sách còn mắc lỗi chính tả, một số chi tiết bài giảng chưa chính xác hoặc thiếu. Ngay cả thông tin về tác giả bài hát có chỗ cũng in sai. Bên cạnh đó, tỷ lệ các bài hát Việt Nam với bài hát nước ngoài chưa cân xứng. Cụ thể, trong hệ thống sách giáo khoa âm nhạc từ lớp 1-9 có 192 ca khúc.

Trong số này có 30 bài dân ca Việt Nam (chiếm 15,6%), nhưng lại có đến 35 bài hát nước ngoài (chiếm 18,2%). Nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường cho rằng, nên giảm số lượng bài hát nước ngoài, bổ sung thêm các bài hát dân ca Việt Nam như ca trù, ví dặm, hát xoan… vào bài học. Đối với các vùng miền có các làn điệu dân ca phát triển, thì nên tăng cường danh mục bài hát do địa phương tự chọn…

Ngoài những bất cập về sách giáo khoa, thì nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay, chất lượng giáo viên âm nhạc chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu xã hội. Thêm vào đó, phương pháp dạy âm nhạc trong các trường phổ thông hiện nay vẫn còn rất cứng nhắc, mô phạm nên không hấp dẫn được học sinh, dẫn đến tình trạng học sinh học nhạc một cách đối phó, học vẹt nên nhiều em dù được đọc nốt nhạc từ khi 9-10 tuổi, nhưng đến tuổi trưởng thành vẫn mù nhạc

(TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu