Thứ Bảy, 30/11/2024 05:40 (GMT +7)

Lo ngại nếu tăng thời gian thanh tra thuế lên 45 ngày

Thứ 3, 05/12/2017 | 16:35:00 [GMT +7] A  A

Ngày 5/12, Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại diện Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam cho rằng, nếu đề xuất tăng thời hạn thanh tra lên 45 ngày (hiện là 30 ngày) sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do phải kéo dài thời gian phục vụ đoàn thanh tra thuế.

Theo Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam, việc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp trong 30 ngày đã mất rất nhiều thời gian, nhân lực của doanh nghiệp để hỗ trợ đoàn thanh tra khi họ thực thi nhiệm vụ. Việc kéo dài thời hạn thanh tra cũng sẽ làm tăng số tiền phạt chậm nộp của doanh nghiệp do Đoàn chưa đưa ra kết luận cuối cùng để xác định số tiền thuế thiếu.

Nhân viên Đội Kê khai thuế (Chi cục Thuế thành phố Lạng Sơn) kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của cá nhân và doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Cụ thể, tại Điều 83 của dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) quy định thời hạn thanh tra thuế không quá 45 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Trường hợp thanh tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết xuyên biên giới thời hạn thanh tra không quá 360 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế.

“Đề nghị nghiên cứu giảm số ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế để doanh nghiệp có thời gian tập trung công việc kinh doanh, không mất quá nhiều thời gian phục vụ việc thanh tra”, Ths. Hà Thị Tường Vy- Tổng thư ký Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) đề xuất.
Tại buổi góp ý Tờ trình và Đề cương Luật quản lý thuế sửa đổi ngày 5/12, Vụ trưởng Vụ chính sách- Tổng cục thuế Lưu Đức Huy cho rằng: Việc xây dựng sửa đổi nhằm thể hiện được tinh thần hướng tới mục tiêu thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản khoa học, phù hợp thông lệ quốc tế; quy định quản lý thuế đối với thương mại điện tử như Hóa đơn điện tử, quả nlys thuế đối với kinh doanh trực tuyến.
Theo một công ty tư vấn thuế, dự thảo sửa đổi có nêu “áp dụng cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng” đối với doanh nghiệp chưa thu đủ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp sẽ xảy ra nhiều điều bất cập.
“Vì doanh nghiệp bị thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì con đường tiếp tục hoạt động kinh doanh gần như không còn. Các đối tác sẽ không thanh toán tiền cho doanh nghiệp nếu không có hóa đơn hợp lệ. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp doanh nghiệp vẫn còn đang thực hiện hợp đồng kinh tế với khách hàng. Biện pháp này khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, mất cơ hội phục vụ hồi để trả nợ thuế và tiếp tục kinh doanh.
“Nên xem lại biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn hết giá trị sử dụng. Nếu áp dụng thì phải vô cùng hạn chế vì đây không phải là biện pháp có tác dụng tích cực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, cán bộ Công ty Ernst&Young Việt Nam nói.
Đề cập tới trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, ngành thuế dẫn quy định tại khoản 3 điều 49 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ: “Các trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau và kiểm tra sau hoàn thuế việc kiểm tra được thực hiện tại trụ sở người nộp thuế”.
Phía Tổng cục Thuế cho rằng, thực hiện quy định này, cơ quan hải quan gặp khó khăn khi xuống doanh nghiệp kiểm tra do khối lượng hồ sơ hoàn thuế lớn, thiếu nhân lực thực hiện kiểm tra, nhiều doanh nghiệp ở xa nơi làm thủ tục hải quan.
“Do đó đề nghị bổ sung quy định đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, việc kiểm tra được thực hiện tại trụ sở hải quan, trường hợp cần thiết mới kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và giao cho Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để giảm chi phí và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Huy nói.
Theo VICA, lý giải trên của cơ quan thuế chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và lại là một nguyên nhân gây nên sự gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp hiểu nhầm hải quan đẩy trách nhiệm chi trả chi phí và rủi ro sang cho doanh nghiệp.
Vì vậy bà Vy đề xuất bổ sung quy định, các công ty dịch vụ kế toán có đăng ký hành nghề đầy đủ với các cơ quan Nhà nước cũng được xác nhận trên hồ sơ hoàn thuế. Bởi các công ty này đều chịu sự kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ, điều kiện hành nghề như các công ty kiểm toán độc lập. Ngoài ra, trường hợp hồ sơ hoàn thuế do đại lý thuế đã đăng ký lập theo hợp đồng đại lý thuế vào hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
“Chính phủ có thể quy định cụ thể điều kiện, quyền lợi và trách nhiệm của các đơn vị có thẻ xác nhận trên hồ sơ hoàn thuế tại các văn bản dưới Luật”, bà Vy nói.
Minh Phương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu