Thứ Bảy, 23/11/2024 21:45 (GMT +7)

Loay hoay phát triển kinh tế trang trại

Thứ 7, 31/12/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, nhưng hiện kinh tế trang trại (KTTT) vẫn phát triển thiếu bền vững và chưa xứng tầm.

Yếu và manh mún
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, cả nước hiện có gần 30.000 trang trại, trong đó có gần 49% là trang trại chăn nuôi, chiếm số lượng lớn nhất. Sau thời gian dài phát triển, đến nay cả nước chỉ có gần 8.000 trang trại được cấp giấy chứng nhận KTTT, vẫn còn 22.000 trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận. Việc phát triển KTTT có ý nghĩa quyết định trong việc chuyển hướng từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa, an toàn. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển, nhưng nhìn vào thực tế vẫn chưa có nhiều chính sách mang tính đặc thù. Rất nhiều vướng mắc quy định về diện tích, quy mô trang trại, tiếp cận vốn vay, đầu tư về hạ tầng, công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ… đang làm nản lòng các nhà đầu tư.

Là động lực thúc đẩy nông nghiệp nhưng kinh tế trang trại vẫn chưa phát triển xứng tầm.

“Số lượng trang trại hiện nay tăng chậm và phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. Cụ thể, khu vực trung du, miền núi phía Bắc là nơi có diện tích đất đai rộng, nhưng số lượng trang trại ít, trong khi đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, quy mô diện tích thấp, nhưng lại tập trung nhiều trang trại. Trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm còn hạn chế. Đặc biệt, hầu hết chủ trang trại chưa có sự liên kết trong các khâu từ sản xuất tới tiêu thụ, bị động trước thị trường…”, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nhận định.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, KTTT vẫn chủ yếu phát triển tự phát và mang tính chất trang trại hộ gia đình, có quy mô nhỏ. Sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng. KTTT đang thiếu sự định hướng, quy hoạch, hạ tầng đầu tư cho nông nghiệp còn yếu kém; khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các chính sách hỗ trợ vướng vấn đề thủ tục, giấy tờ khi chỉ một dự án nông nghiệp, nhưng yêu cầu về hồ sơ không thua gì dự án công nghiệp…
Mong chờ chính sách
Là địa phương dẫn đầu về số lượng phát triển KTTT, tỉnh Đồng Nai có khoảng 2.600 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… giải quyết việc làm cho hơn 8.800 lao động. Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Nhà nước cần có chính sách thông thoáng hơn để các trang trại hoạt động hiêu quả. Theo đó, hoạt động của các trang trại sẽ như mô hình doanh nghiệp, có thể tự xuất hóa đơn, tổ chức kinh doanh, mua bán; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi trang trại thực hiện dự án phát triển…
“Hiện chúng tôi đang tiến hành cấp giấy chứng nhận trang trại cho các trang trại trên địa bàn nhằm hỗ trợ các chủ trang trại thực hiện sản xuất theo hướng an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để tiến tới sản xuất theo chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian tới các cơ quan chức năng cần hỗ trợ hành lang pháp lý cho việc tích tụ ruộng đất, cũng như tạo điều kiện giúp người dân mở rộng quy mô, diện tích trang trại. Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy nhanh việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho các chủ trang trại tiếp cận vốn vay đầu tư trực tiếp từ các chương trình của Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất, thời hạn vay phù hợp, bảo đảm cho chiến lược đầu tư sản xuất lâu dài”, ông Vinh nói thêm.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể mới hỗ trợ KTTT phát triển với cách tiếp cận sâu, tầm nhìn rộng và sát thực tiễn hơn. Các ngành chức năng cũng cần sớm có chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng quy hoạch phát triển KTTT; hỗ trợ kinh phí thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mở rộng sản xuất trong 10 năm với mức tối đa 5 triệu đồng/ha/năm; có các chính sách hỗ trợ 50% về lãi suất vay cũng như chính sách hỗ trợ đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa, phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại. Có như vậy, KTTT mới có thể góp phần giúp người dân phát huy được lợi thế so sánh, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa-TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu