Thứ Năm, 21/11/2024 22:33 (GMT +7)

Long An tổ chức lễ Kỷ niệm 154 năm ngày mất Phan Văn Đạt

Thứ 2, 31/08/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An phối hợp cùng gia tộc họ Phan tổ chức kỷ niệm 154 năm ngày mất của cụ Phan Văn Đạt (1861-2015). Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UB.MTTQVN tỉnh, lãnh đạo huyện Châu Thành và một số hội, đoàn thể đến dự lễ.

Phan Văn Đạt sinh năm 1828, sống ở thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) trong gia đình nông dân nghèo. Ngay từ nhỏ, ông phải sống trong cảnh cơ cực nhưng nhờ ham học ông trở thành một nho sĩ có khí tiết, học rộng hiểu thông, đỗ Cử nhân năm Canh Thân (1860) đời vua Tự Đức tại trường thi Gia Định.

Nhưng sau khi đến kinh đô Huế, do ghét thói a dua, xu nịnh chốn quan trường nên ông lập tức không nhậm chức quan mà trở về quê phụng dưỡng song thân. Vốn tính khảng khái, cương trực nên được dân làng nể trọng, mỗi khi có việc tranh tụng họ đều nhờ ông phân xử. Vì thế lúc bấy giờ có câu “Muốn biết nặng nhẹ hỏi mặt cân, muốn được công bằng tìm Phan Văn Đạt”.

Trước cảnh thực dân Pháp xâm lược đất nước, tàn sát người vô tội, ông vẫn một lòng vì nước vì dân, luôn canh cánh nỗi đau và lòng căm hận. Vì thế, sau khi song thân mất ông cùng người cậu là Trịnh Quang Nghị dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở cầu Biện Triệt (huyện Châu Thành, tỉnh Long An ngày nay), phát hịch chiêu mộ nghĩa binh chống Pháp.

Cuộc khởi nghĩa đã mở đầu và thúc đẩy phong trào khởi nghĩa của nhiều sỹ phu yêu nước ở các vùng lân cận. Lúc ấy, hào kiệt nghĩa sĩ ở khắp nơi đều đứng lên đồng tâm hiệp lực giết Tây. Trong số những người hưởng ứng cuộc khởi nghĩa với bầu nhiệt huyết sục sôi có một người sau khi tham gia đã trở thành đồng đội kề vai sát cánh, cùng lãnh đạo nghĩa quân sau này là ông Lê Cao Dõng.

Thực dân Pháp nhận thấy thế lực và quyết tâm mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa nên đã thẳng tay đàn áp. Trong trận càn vào ngày 16/7/1861, chúng bắt được Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng. Bị dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng hai ông vẫn bình thản, quyết không cúi đầu khuất phục. Sau khi biết Phan Văn Đạt là một lãnh đạo cao nhất của phong trào khởi nghĩa chúng đã xử tử ông rất dã man, khi ấy ông mới 33 tuổi.

Vua Tực Đức nghe việc ấy, viết một bài thơ ca ngợi gương hy sinh của Phan Văn Đạt để phổ biến trong cả nước, khuyến khích lòng người và truy tặng ông hàm tri phủ, ban lệnh đợi khi hòa bình sẽ lập miếu thờ, mỗi năm sẽ cấp tiền làm lễ cúng tế…

Tại lễ kỷ niệm, ông Phan Văn Phấn, cháu đời thứ 4 của cụ Phan Văn Đạt đại diện gia tộc cám ơn các cơ quan, ban ngành đã phối hợp cùng gia tộc tổ chức và dự lễ kỷ niệm ngày mất của cụ Phan. Tự hào về truyền thống hiếu học, tinh thần bất khuất, yêu nước chống ngoại xâm của cụ Phan, gia đình sẽ tiếp tục giáo dục con cháu sau này ra sức học tập, trở thành những công dân hữu ích, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Thanh Phong-Văn Long.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu