Thứ Bảy, 30/11/2024 04:39 (GMT +7)

Long An: Triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017 – 2020

Thứ 6, 24/03/2017 | 11:34:00 [GMT +7] A  A

 

Sáng ngày 23.03.2017, tỉnh Long An đã họp thông qua kế hoạch triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020; dự thảo quyết định thành lập và quy chế làm việc của Ban chỉ đạo chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số công việc cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Ông Phạm Văn Rạnh – Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Cần – Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự.

Theo đó, năm 2016, tỉnh Long An đã triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu đạt được kết quả khả quan, đã xác định được cụ thể vùng của đề án để tập trung triển khai.

Theo đề án, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp – nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Xây dựng 4 vùng triển khai thực hiện đề án gồm: Vùng sản xuất lúa, triển khai tại 26 xã thuộc các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hoá, Thạnh Hoá và thị xã Kiến Tường. Vùng sản xuất rau tập trung ở 18 xã phường của huyện Đức Hoà, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An. Vùng chăn nuôi bò thịt triển khai tại 22 xã, thị trấn của 2 huyện Đức Hoà và Đức Huệ. Riêng huyện Châu Thành, trong đề án này sẽ triển khai thực hiện vùng sản xuất thanh long tại 12 xã, thị trấn của huyện.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp như cải tiến quy trình công nghệ, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao hoạt động trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, giết mổ, bảo quản, chế biến xây dựng hê thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy hại trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm (HACCP). Tổng nhu cầu vốn cho việc thực hiện đề án đến năm 2020 là 653 tỷ 985 triệu đồng. Trong đó bao gồm ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách tỉnh 16 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chống hạn xâm nhập mặn năm 2016./.

 

PHƯƠNG ĐÀI – LÊ QUANG


Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu