Ngay sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 bế mạc sáng 16/10, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An nhiệm kỳ 2015-2020 về những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ mới.
– Chúc mừng đồng chí đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy Long An (nhiệm kỳ 2015-2020). Xin đồng chí cho biết những giải pháp, đặc biệt là giải pháp đột phá được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An đề ra trong nhiệm kỳ mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương?
Đồng chí Phạm Văn Rạnh: Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã thông qua Nghị quyết xác định các chỉ tiêu phấn đấu và đề ra các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp, khả thi trên các lĩnh vực. Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X sẽ cụ thể hóa để lãnh đạo thực hiện; trong đó, Long An đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ chiến lược, mang tính đột phá, trọng điểm, thực sự khả thi, hiệu quả để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
Trước hết, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm; qua đó, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đưa công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Song song đó, tỉnh tập trung đầu tư đối với ba công trình trọng điểm: đường tỉnh 830 (đoạn Đức Hòa-Tân Tập) kết nối hai huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh (Đức Hòa và Cần Giuộc); đường vành đai thành phố Tân An; trục hạ tầng giao thông-đô thị kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hai, tỉnh tiếp tục quy hoạch, định hướng tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, tổ chức phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế gia trại, trang trại, phát triển liên kết “bốn nhà;” ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sử dụng giống mới, chất lượng cao trong sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng; trọng tâm là thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thứ ba, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước các cấp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.
Tỉnh tiếp tục phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
– Là tỉnh cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An dự kiến có những đóng góp gì cho khu vực và cả nước trong thời gian tới?
Đồng chí Phạm Văn Rạnh: Với vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, cửa ngõ kết nối miền Đông và Tây Nam bộ, Long An nỗ lực phấn đấu phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện vai trò một thành viên năng động, tích cực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng và của cả nước. Trong đó, chú trọng tập trung hoàn thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, các tuyến đường huyết mạch kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận.
– Xin cảm ơn đồng chí./.
Ý kiến ()