Thời gian gần đây, tại các cơ sở kinh doanh Beer Club, vũ trường, quán Bar trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có những vụ xô xát, hỏa hoạn xảy ra, tiếng nhạc ồn ào… gây mất trật tự trị an và bức xúc trong dân.
Từ những vụ việc trên cho thấy, công tác quản lý những loại hình kinh doanh này đang gặp lúng túng, có sự chồng chéo giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, vấn để xử phạt vẫn còn nhiều vướng víu vì trong luật không có sự tồn tại của mô hình Beer club, do vậy việc chứng minh sai phạm cụ thể từng trường hợp là rất khó. Đó cũng là một trong những kẽ hở của luật khiến việc quản lý, kiểm soát Beer Club gặp không ít khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu nói: “Chúng ta đang rất lúng túng với loại hình này, chúng ta chưa có quy định của pháp luật rõ ràng, cụ thể, hiện nay chúng ta cũng chưa xác định loại hình Beer Club thuộc loại hình nào, nó không phải là Vũ trường, quán bar, nhưng thực sự hoạt động nơi đây không phải là ăn uống, ăn uống gì mà uống bia trong đó, rồi nhảy nhót, nhạc thì quá lớn”.
Hiện nay, Bà Rịa – Vũng Tàu có 73/82 xã, phường, thị trấn có cơ sở kinh doanh karaoke với 389 hộ kinh doanh tổng số hơn 2.100 phòng hát được cấp phép hoạt động không thời hạn theo Quy định.
Thành phố Vũng Tàu là địa phương có điểm kinh doanh dịch vụ karaoke được quy hoạch nhiều nhất với 159 cơ sở, hoạt động vũ trường, Beer Club; chiếm số đông vẫn là thành phố Vũng Tàu với 12/18 cơ sở.
Theo chủ trương của tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, là địa phương du lịch, Vũng Tàu nhất thiết phải có những loại hình kinh doanh này để thu hút du khách. Tuy nhiên, vấn đề là hoạt động của dịch vụ Beer club phải được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cấp phép, giám sát và quản lý để không gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như sự ổn định an ninh trật tự địa phương.
Ông Đặng Minh Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói: “Là thành phố du lịch thì phải có những điểm hoạt động, nhưng hoạt động như thế nào cho phù hợp, không thể nào nằm xen kẽ trong khu dân cư được, ảnh hưởng đến môi trường sống, môi trường học tập và an ninh trật tự”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, địa phương thu hút du lịch, nếu Nghị định số 103 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dich vụ văn hóa công cộng phải cách trường học, cơ sở tôn giáo tối thiểu từ 200m trở lên thì Côn Đảo sẽ không có đơn vị kinh doanh nào hoạt động lọai hình này, vì Côn Đảo có vị trí tự nhiên rất đặc thù, rất nhiều di tích quốc gia và trường học. Đồng thời, Côn Đảo đã được Chính phủ quy hoạch là một trong những khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và hiện đại, gắn liền với các yếu tố lịch sử, tâm linh và văn hóa mang tầm cỡ quốc tế.
“Nếu không có quy hoạch khu vực hoạt động kinh doanh Karaoke, vũ trường mà cứ để hoạt động trong khu dân cư hiện nay rất là khó. Riêng Côn Đảo, nhà dân một vách với di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt và xa nhất đối với trường học là 50 mét, thế thì quy định từ 100 – 200 mét với Côn Đảo chỉ mang ra Hòn mà làm thôi”, ông Dũng nói thêm.
Để quản lý hiệu quả, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần quy hoạch những loại hình kinh doanh Beer Club, Karaoke, vũ trường vào khu tập trung, cách xa khu dân cư và giao cấp quản lý cho chính quyền địa phương sở tại; đồng thời ngưng cấp giấy phép mới đối với loại hình kinh doanh Beer Club để tránh những hệ lụy như mất an ninh trật tự, hỏa hoạn xảy ra gần đây…/.
VOV-VN
Ý kiến ()