– Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đề nghị Chính phủ, QH cải thiện, nâng lương cho giáo viên vì theo luật Viên chức, lương khởi điểm dựa vào bằng cấp rất thấp.
Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ GD-ĐT sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD-ĐT quan tâm một số vấn đề dư luận rất quan tâm, trong đó có biên chế, lương giáo viên.
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ GD-ĐT |
Ông dẫn chứng vụ việc 500 giáo viên hợp đồng bị mất việc ở Đắk Lắk, có người làm việc trên dưới 10 năm, lương thấp hơn lương cơ bản.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây không phải là trách nhiệm của Bộ nhưng việc kiểm soát chung của ngành khi phát hiện vấn đề cũng cần lưu ý.
Theo Chủ nhiệm VPCP, giáo viên hợp đồng lương cực thấp, GV mầm non, tiểu học lương đôi triệu, thấp hơn lương cơ bản nhưng họ hi vọng sẽ có chỉ tiêu để vào biên chế, Bộ cần quan tâm đến việc này.
Hi vọng vào đề án cải cách tiền lương
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, Bộ đã đưa ra giải pháp để xử lý các vấn đề bức xúc, trong đó có lương của giáo viên.
Cụ thể, Bộ đã làm việc với tất cả tỉnh thành, rà soát đến năm 2020 nhu cầu giáo viên như thế nào để tính toán, khắc phục tình trạng đào tạo không đi liền với nhu cầu, nâng cao chất lượng.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Theo ông, quyết định hấp dẫn với giáo viên là học xong có việc làm không, chế độ đãi ngộ, an toàn, vị thế thế nào. Tuy nhiên, hiện sinh viên vừa ra trường chưa chắc các địa phương quyết định việc này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Chính phủ, Quốc hội cải thiện, nâng lương cho giáo viên. Hiện theo luật Viên chức, lương khởi điểm dựa vào bằng cấp, lương rất thấp, muốn có dăm bảy triệu phải mất 10-15 năm.
Ông cho biết, việc sử dụng hợp đồng giáo viên rất bất cập và Bộ đang kiến nghị sửa đổi nghị định về vấn đề này.
Cục trưởng Cục Nhà giáo Hoàng Đức Minh cho biết thêm, về các định mức, Bộ đã có công văn định mức biên chế. Có những hợp đồng tuyển dụng, Bộ đã có đề nghị Sở tham mưu để đảm bảo chính sách cho giáo viên. Giải pháp lâu dài, Bộ sẽ chỉ đạo, đề nghị các tỉnh quy hoạch tốt trường lớp, ghép các điểm trường, tiết kiệm biên chế…
“Chúng tôi đang soạn thảo sửa đổi luật Giáo dục và mong được ủng hộ, ưu tiên cải thiện lương nhà giáo, quan tâm đến giáo viên thiết thực hơn”, ông Minh cho hay.
TheoThu Hằng/ Vietnamnet
Ý kiến ()