Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 23:42 (GMT +7)
Luồng ngoại tệ lớn chảy đều hàng đêm, Việt Nam đang bỏ phí
Thứ 3, 17/09/2019 | 15:07:00 [GMT +7] A A
– Không có chỗ chơi hay thiếu nơi để du khách “tiêu tiền” từ rất lâu đã là thực trạng chưa được giải quyết ở Việt Nam, nhất là về ban đêm, khiến chúng ta mất đi một nguồn ngoại tệ lớn.
Thèm thuồng nhìn nước bạn bội thu từ kinh tế đêm
Nếu so sánh Đà Nẵng với Bangkok hay Phuket của Thái Lan, thì Đà Nẵng không hề thua kém về cảnh sắc thiên nhiên cũng như cơ sở hạ tầng du lịch. Tuy nhiên, Bangkok và Phuket lại hút khách hơn chính là bởi các hoạt động vui chơi giải trí suốt ngày đêm. Ngay cả ban đêm, du khách tới Bangkok hay Phuket đều có thể vui chơi giải trí với nhiều loại hình đa dạng.
Trong khi đó, khách nước ngoài đến Đà Nẵng hầu hết chỉ biết vào các quán bar, club hoặc khám phá ẩm thực, mà những hàng quán này cũng rải rác khắp thành phố, nằm lẫn trong khu dân cư chứ không quy tụ vào một khu vực lớn. Tuy nhiên, một hoặc hai ngày lặp lại đã gây chán nản đối với du khách, chưa kể những người dự định ở lại Đà Nẵng vài ba ngày.
Nguồn thu khổng lồ từ kinh tế ban đêm
Thực tế cho thấy, sự phát triển của các loại hình kinh tế ban đêm mang lại một khoản doanh thu khổng lồ cho Thái Lan. Theo xếp hạng Thành phố Điểm đến Toàn cầu 2019 (Global Destination Cities Index) mới được công bố bởi Mastercard Inc., Thủ đô Bangkok của Thái Lan là điểm du lịch đông khách nhất thế giới năm 2018 – năm thứ tư liên tiếp, vượt qua Paris (Pháp) và London (Anh).
Bangkok dẫn đầu bảng xếp hạng với hơn 22 triệu lượt khách quốc tế ở qua đêm trong năm ngoái, theo sau là Paris và London với hơn 19 triệu lượt khách.Theo một báo cáo do Mastercard công bố vào năm ngoái, Thái Lan là điểm đến du lịch sinh lợi tốt thứ 4 thế giới.
Kinh tế ban đêm mang lại 102 tỷ USD cho Australia mỗi năm. Nghiên cứu của Deloitte Access Economics tính toán, thành phố này sẽ “đánh rơi” 16 tỷ USD/năm nếu không kịp thời thay đổi chính sách, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các hoạt động vui chơi về đêm đạt hiệu quả cao hơn.
Tại Anh, theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Trong đó, riêng thành phố London chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723.000 lao động.
Các doanh nghiệp ở Tokyo đang tìm cách thu hút khách du lịch nước ngoài dành nhiều thời gian và tiền bạc để giải trí đêm ở thành phố. “Đêm là một cơ hội lớn để tiêu thụ”, Chủ tịch JTB Hiroyuki Takahashi cho biết khi nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện các lựa chọn giải trí của Tokyo sau khi trời tối.
Từ tháng 4/2017, Bảo tàng Quốc gia Tokyo ở Ueno đã mở rộng thời gian mở cửa một giờ vào thứ Sáu và thứ Bảy đến 9 giờ tối thu hút thêm khách nước ngoài. Nhưng vấn đề thiếu phương tiện giao thông công cộng vẫn là một thách thức đối với du lịch Nhật Bản nói chung, du lịch Tokyo nói riêng.
Vì thờ ơ, nên lãng phí nguồn doanh thu khổng lồ
Trong khi các nước khác trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm và mảng này mang về cho họ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD mỗi năm thì tại Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô, cũng như tác động đến hoạt động kinh tế nói chung. Thờ ơ với kinh tế ban đêm đồng nghĩa với các điểm đến du lịch Việt đang bỏ qua một nguồn doanh thu khổng lồ.
Quay trở lại Đà Nẵng, nhìn vào con số tăng trưởng du lịch hàng năm, mặc dù tăng nhưng thực sự còn quá nhỏ bé so với các thành phố láng giềng. Khách du lịch đến Đà Nẵng vẫn tăng trưởng tốt, 6 tháng đầu năm 2019 có khoảng 4,3 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, tăng 15,1% so với cung kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 14.978 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Chợ đêm mở ra nhằm thu hút khách du lịch
Song nguồn doanh thu này chủ yếu từ ban ngày. Dịch vụ đêm đơn điệu khác xa so với sự nhộn nhịp, sầm uất, sôi động ban ngày khiến thành phố sông Hàn đang để lãng phí nguồn doanh thu lớn.
Mặc dù thời gian qua, Đà Nẵng đã quan tâm đến xây dựng, phát triển các phố đi bộ ban đêm, một phần của kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý nên hoạt động của các mô hình này chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, một số chương trình giải trí, văn hóa vào ban đêm cũng rất ít nên không hấp dẫn du khách.
Không chỉ riêng Đà Nẵng, ngay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… tất cả các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí đều diễn ra ban ngày và gần như chưa có một khu vui chơi tầm cỡ nào đủ sức níu chân khách.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đánh giá, kinh tế về đêm có thể là một cơ hội mới cho Việt Nam. Hiện mỗi năm Việt Nam có thêm 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu, với mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, đang dành nhiều tiền và thời gian để tận hưởng cuộc sống. Khảo sát của The Conference Board và Nielsen cho thấy 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc điều chỉnh quy định về thời gian vui chơi giải trí ở các khu công cộng cũng như các dịch vụ vui chơi giải trí trong cơ sở lưu trú du lịch được mở cửa tối thiểu đến 2 giờ là nhu cầu chính đáng của du khách, đồng thời là biện pháp giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách ở tất cả địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vietravel đánh giá, chúng ta đang nghiêng và đầu tư toàn bộ cho các sản phẩm mở cửa từ 6h đến 17h mà thiếu các định hướng và định vị cho dòng sản phẩm ban đêm.
Trong khi đó, 30% doanh thu đến từ ban ngày, còn 70% đến từ ban đêm. Việc chỉ quan tâm đến các sản phẩm ban ngày giống như cái “ống máng”, khách đến thì nó cũng trượt đi. Tiêu chí để khách quay lại lần thứ 2, thứ 3 gần như phụ thuộc vào dịch vụ và có khách quay lại thì mới gọi là phát triển du lịch bền vững.
Bàn về vấn đề này, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm khẳng định: kinh tế ban đêm không hề nhỏ. “Ở các nước, kinh tế càng phát triển thì hoạt động ban đêm càng phát triển. Vì thế, dứt khoát chúng ta phải làm, từ dễ tới khó, từ những hoạt động nhỏ tới phạm vi lớn. Chúng ta phải hòa nhập với thông lệ quốc tế. Không nên vì mình chưa biết làm mà không làm thì muôn đời mình đi sau”
Theo Đông Sơn
Ý kiến ()