Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 22:56 (GMT +7)
Máy bay Mỹ nằm im sau khi Nga điều tên lửa Buk
Thứ 6, 18/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Mỹ đã buộc phải dừng các cuộc không kích bằng máy bay tiêm kích có người lái hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria ở miền Bắc Syria.
Nguyên do là bởi Moskva đã cho tăng cường nhiều hệ thống tên lửa phòng không tới Syria sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 hôm 24/11. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang ở thế bí trong việc định ra các bước đi tiếp theo.
Một hệ thống tên lửa Buk của Nga. Ảnh: Getty Images |
Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria được đẩy mạnh trong vài tuần trở lại đây. Việc điều chuyển tên lửa mới nhất (mà không báo trước cho Lầu Năm góc) đã làm phá sản những nỗ lực của liên quân do Mỹ đứng đầu hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở khu vực biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, ngay sát phía tây sông Euphrates. Đây là khu vực chiến trường trọng điểm, được mệnh danh là “Lô số 4” (Box 4), với nhiều cuộc giao tranh giữa các nhóm đối lập với quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đó là thông tin được một số quan chức Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ với Bloomberg hôm 17/12.
Theo đó, kể từ đầu tháng này, Moskva đã triển khai nhiều hệ thống tên lửa phòng không Buk hiện đại (NATO định danh là SA-17) gần Box 4 và bắt đầu có hoạt động theo dõi radar nhằm vào các máy bay Mỹ. Lầu Năm góc đã buộc phải dừng tất cả các chuyến bay bằng máy bay chiến đấu có người lái, dù vẫn duy trì hoạt động của máy bay không người lái trên không phận “Lô số 4”. Cùng lúc, Nga cho mở rộng quy mô không kích quân khủng bố tại đây, giúp lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad thu được nhiều chiến thắng quan trọng, giành quyền kiểm soát một vùng chiến trường rộng lớn sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nội bộ chính giới cấp cao Mỹ, các quan chức đang thảo luận về bước đi tiếp theo để đối phó với hành động của Nga. Tình hình nghiêm trọng đến mức, Ngoại trưởng John Kerry đã phải nêu vấn đề này trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/12 vừa qua tại Moskva. Tham mưu trưởng Liên quân John Dunford cũng buộc phải có các cuộc tham vấn với đồng cấp Nga.
Phát ngôn viên lực lượng không quân Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ Tim Smith nói rằng, sự gia tăng của các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga, đặc biệt là SA-17, đã gây ra những “khó khăn” cho chiến dịch không kích của liên quân chống IS. Ông này cũng không phủ nhận những đánh giá mà giới chức Mỹ tiết lộ về tình hình tại Box 4. Jeff David, phát ngôn viên Lầu Năm góc cũng thừa nhận liên quân đang gặp khó sau bước đi của Nga, nhưng vẫn nói cứng rằng máy bay Mỹ (có người lái và không người lái) hiện hoạt động tại những điểm mà quân khủng bố IS hiện diện.
Một nguồn tin khác cho biết, tại Washington, giới chóp bu đang thảo luận về cách thức phản ứng trước việc Nga tăng cường triển khai hệ thống tên lửa. Chính quyền ông Obama có thể sẽ quyết định nối lại các đợt không kích trợ giúp quân nổi dậy chống IS, nhưng điều này tiềm ẩn nguy cơ đụng độ “chết người” với Nga. Còn tại thời điểm này, Lầu Năm góc dường như vẫn phải chấp nhận các máy bay có người lái bị “cấm cửa” trên vùng trời Box 4.
Một số chuyên gia phương Tây nhìn nhận, với việc tăng cường triển khai tên lửa phòng không kết hợp với đẩy mạnh không kích ở miền Bắc Syria, Nga và quân đội Syria đang cố gắng tạo ra những chiến thắng rõ nét trên chiến trường, lấy “sự đã rồi” này là tiền đề để tạo ra đà thuận lợi trong quá trình đàm phán hòa bình. Bên cạnh đó Moskva cũng muốn gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn hạ Su-24 vừa qua – Robert Ford, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria bình luận. Theo ông, chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan rất quan tâm đến tình hình ở Box 4,do Ankara đứng sau hỗ trợ các nhóm đối lập Arab dòng Sunni tại đây và có hoạt động hợp tác bí mật với Mỹ. “Người Nga đang tìm cách phong tỏa người Thổ và điều này sẽ đưa đến những hệ lụy cho chương trình của CIA”, cựu Đại sứ Ford nói.
Mỹ và các đồng minh có thắng được chính quyền Damascus trên bàn đàm phán hay không phụ thuộc vào khả năng dồn ép lực lượng trung thành Tổng thống Assad trên chiến trường của liên quân. Thế nhưng tại thời khắc quan trọng này, Mỹ không những không ép được mà còn buộc phải chạy theo sức ép của Nga.
Ý kiến ()