Chủ Nhật, 24/11/2024 08:34 (GMT +7)

Mở rộng hạn điền: Không để nông dân mất đất và bần cùng hóa

Thứ 6, 07/04/2017 | 09:55:00 [GMT +7] A  A

Nhiều ý kiến cho rằng, bỏ quy định về hạn điền sẽ giúp nền nông nghiệp “cất cánh”. Tuy nhiên, cần có cách làm phù hợp nông dân không bị mất đất, bị bần cùng hóa, đất không rơi vào tay các “địa chủ” vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Hạn điền có phải là nút thắt?

Theo Luật Đất đai sửa đổi năm 2013, ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long mỗi hộ gia đình, cá nhân được giao không quá 3ha đất nông nghiệp, các khu vực khác được giao không quá 2 ha. Hộ gia đình, cá nhân có hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất. Như vậy, các hộ gia đình, cá nhân có thể tích tụ ruộng đất từ 20 – 30 ha.

Trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, hạn mức này đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không thể tích tụ được ruộng đất, không thể tạo ra cánh đồng lớn để mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, ngay cả khi có quy định về hạn điền nhưng vẫn có thể tích tụ được ruộng đất. Ví dụ như tại Bình Phước có doanh nghiệp tích tụ được tới 250 ha đất trồng điều. Ở Bình Thuận, mỗi hộ sản xuất có vài chục ha trồng thanh long là bình thường. Thậm chí Tập đoàn Minh Phú còn thuê 1.000 ha đất để nuôi tôm và cá rô phi.

Do vậy, “Có phải hạn điền là mấu chốt để tích tụ ruộng đất không?”, bà Minh băn khoăn

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế TW) cho rằng: “Vấn đề hạn điền hiện nay không mắc ở mức đất được giao quy định trong Luật Đất đai (tối đa 20 – 30ha đất nông nghiệp), mà là làm sao chuyển nhượng để nâng cao mức tích tụ này. Đối với DN không có hạn chế, họ có dự án thì hoàn toàn có thể bỏ tiền ra mua đất”.

Vì vậy, “Nói rằng hạn điền cản trở cho phát triển nông nghiệp là chưa chuẩn. Ví dụ ở An Giang chỉ có 42 hộ có trên 30 ha đất, chủ yếu các hộ trồng cây lâu năm. Như vậy, số hộ vượt hạn điền không lớn, hạn điền không ngáng trở cho phát triển nông nghiệp hiện nay”, ông Tiến nói

Theo ông Tiến, vấn đề cản trở là làm sao tích tụ được ruộng đất từ nhiều hộ vào một hô. Việc này có nhiều cách như: cho thuê, liên kết thành cách đồng mẫu lớn như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã làm. Họ liên kết được 60.000 ha để sản xuất các loại giống lúa có giá trị cao. Đó mới là tập trung đất đai để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho nông dân, nhất là khi thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất. Ảnh: MM

Bảo vệ lợi ích của nông dân

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nông thôn và sản xuất nhỏ sẽ tồn tại ở Việt Nam hàng thế kỷ nữa. Do vậy, quá trình dồn điền đổi thửa, lập các trang trại lớn phải luôn nhớ rằng, nền tảng của nông thôn Việt Nam vẫn là các hộ gia đình, sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Hiện nay, một số địa phương ‘xé rào’, đứng ra đàm phán với nông dân để thu hồi đất, cho doanh nghiệp thuê lại. Nếu chính quyền làm không tốt, có thể người chịu thiệt hại chính là nông dân”.

Do đó, “Cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho nông dân, nhất là khi thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất. Nên quan niệm đất là tài sản của người dân, đối xử về quyền đó như là một tài sản bình thường, được chuyển nhượng theo cơ chế thị trường, để thị trường quyết định”, ông Thịnh nói.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng: “Nên khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy trình sản xuất, đẩy mạnh quá trình dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nhưng phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về ruộng đất để các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ. Quy định rõ, đầy đủ các quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê, góp vốn…”.

Theo các chuyên gia, cùng với mở rộng hạn điền, cần tạo ra cơ chế để nông dân không bị mất đất, bị bần cùng hóa, đất đai không bị rơi vào tay các “địa chủ”.

“Một trong những mấu chốt để đảm bảo sự công bằng trong tích tụ đất đai là Nhà nước cần quan tâm đến quyền tài sản đất đai của người nông dân. Giá thị trường phải được đảm bảo. Nông dân nếu muốn rút ra khỏi nông nghiệp, có thể bán đất cho người có nhu cầu, hoặc nếu vẫn giữ đất, họ có thể góp vốn bằng quyền tài sản đất nông nghiệp, nhưng là với giá thị trường, chứ không phải thứ giá quá rẻ như hiện nay. Chỉ như vậy, vị thế của người nông dân mới tốt hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR- ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) đề xuất.

H.V/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu