Tất cả chuyên mục

Việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ em độ tuổi mầm non là hết sức quan trọng, điều đó đã được các nhà khoa học nghiên cứu khẳng định bởi giai đoạn này là “Giai đoạn vàng” để giáo dục và tạo nền móng cho sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Cô Võ Thị Ngọc Thi sinh năm 1985 là giáo viên mầm non, công tác tại Trường mẫu giáo Bình Phong Thạnh từ năm 2008 đến nay. Từ lúc gắn bó cùng nghề giáo, cô luôn trăn trở tìm ra các giải pháp giúp trẻ phát triển toàn diện, vững vàng, tự tin, có những kỹ năng cần thiết khi bước vào lớp 1 và nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường.
Đặc biệt, dù hoàn cảnh gia đình có khác biệt thế nào thì tất cả trẻ đều phải được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục ngang nhau, mọi trẻ đều được đối xử công bằng và tôn trọng sự khác biệt về tính cách. Với mong muốn đó, những năm qua cô Thi đã dần hiện thực hóa suy nghĩa và không ngừng Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Năm học 2023 - 2024, cô được phân công dạy lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi. Để thực hiện tốt chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”. Trong quá trình giảng dạy cô luôn tạo môi trường học thu hút trẻ, ưu tiên sử dụng các dụng cụ sẵn có ở địa phương, có nguồn gốc tự nhiên, vật liệu tái chế, có tính linh hoạt. Chuẩn bị thêm các đồ chơi thân thiện, dễ tìm kiếm nhưng đa dạng về chất liệu, thể loại, đảm bảo tính phù hợp và an toàn, chú trọng tính năng sử dụng và tính bền vững.
Khi tổ chức các hoạt động trong lớp hay ngoài trời với phương châm “Chơi mà học, học bằng chơi” trẻ được tham gia là chính. Hàng ngày cô thường xuyên trò chuyện nhẹ nhàng với trẻ, nhờ trẻ làm một số việc mà cháu thích. Cô cùng chơi với trẻ như một người bạn nhờ đó trẻ đã chia sẻ suy nghĩ của mình và tổ chức các trò chơi theo nhóm để những trẻ đó có sự đoàn kết, cô không ngừng động viên khen ngợi khi trẻ biết chờ tới lượt hay tạo ra được một sản phẩm đẹp.
Hiện nay, đa số trẻ thích xem ti vi, điện thoại nên khi vào lớp học trẻ thường thụ động, chưa nhạy bén, học không tập trung, không thích vận động, thích chơi một mình. Để thay đổi được thói quen này của trẻ rất khó, cô thường xuyên tổ chức các hoạt động mang tính trải nghiệm, để trẻ được khám phá như: chơi cát nước, hóa thân làm bác nông dân thu hoạch rau, gieo hạt đậu, làm cô lao công nhặt rác, thăm vườn hoa, chơi giao thông,... mỗi ngày cô thay đổi các hoạt động khác nhau nhằm kích thích, không gây nhàm chán cho trẻ. Thông qua các trò chơi trẻ rất thích thú, qua đó giáo dục trẻ biết bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên, yêu lao động. Từ đó, trẻ rất phấn khởi mong muốn đến trường.
Với vai trò là một tổ trưởng chuyên môn Cô Thi luôn gương mẫu đi đầu có trách nhiệm cao trong công việc, luôn sáng tạo linh hoạt đổi mới hình thức; cùng đồng nghiệp ứng dụng phương pháp giáo dục đạt hiệu quả; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt tổ chuyên môn theo nghiên cứu bài học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trẻ như: Tổ chức các hoạt động cho trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền, phối hợp với Cha mẹ trẻ em, Tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ...
Trong những năm gắn bó với nghề cô Võ Thị Ngọc Thi luôn ý thức vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một giáo viên mầm non về đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo. Ngoài kiến thức về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, cô luôn giữ lửa yêu thương, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì, bền bỉ… đối với học sinh. Ứng xử với đồng nghiệp, Cha mẹ trẻ đặc biệt là với trẻ luôn chuẩn mực, là tấm gương sáng cho trẻ noi theo và là địa chỉ đáng tin cậy để Cha mẹ trẻ gửi gắm yêu thương.
Bé Ngoan – Hoài Thanh
Ý kiến ()