Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 13:31 (GMT +7)
Mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu
Thứ 6, 06/04/2018 | 09:11:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu…
“Đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt trong các vùng dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua”.
Đây là thông tin được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Hội thảo công bố báo cáo Bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam, do Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức.
Theo báo cáo, năm 2014, tỷ lệ nghèo chiếm 13,8%, đã giảm khoảng 4%, xuống còn 9,8% vào năm 2016. Báo cáo cũng ghi nhận hiện nay, 70% người dân Việt Nam được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới.
Tầng lớp này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017.
Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. 98% các hộ thoát nghèo không bị tái nghèo.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người.
Tỷ lệ nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số tiếp tục giảm, là kết quả đáng khích lệ, nguyên nhân giảm nghèo chủ yếu nhờ tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, 95% người nghèo tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, trong đó 72% là người dân tộc thiểu số, tham gia các hoạt động nông nghiệp có năng suất thấp, được trả lương thấp.
Người nghèo thường có ít khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm thu nhập cao, ít có khả năng tiếp các cơ hội giáo dục, y tế, dịch vụ tốt…
Ông Ousmane Dione nói: “WB tiếp tục cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp tục giảm nghèo cũng tăng cường công bằng để Việt Nam trở thành xã hội không có nghèo đói, có cơ hội công bằng cho tất cả mọi người”.
Báo cáo cũng tóm tắt các xu hướng và mô hình đói nghèo trong thời gian gần đây ở Việt Nam và nêu ra những giải pháp để thúc đẩy tiềm năng chưa được khai thác trong lĩnh vực nông nghiệp ở vùng cao, nơi tập trung nhiều người nghèo. Tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng có thể giúp nông dân vùng cao thực hiện những khoản đầu tư cần thiết vào sản xuất nông nghiệp để đem lại thu nhập cao. Nâng cao khả năng tạo thu nhập có thể giúp thu hẹp bất bình đẳng giữa các nhóm dân tộc./
Kim Thanh/VOV1
Ý kiến ()