Theo kết quả một nghiên cứu, môi trường tác nghiệp báo chí đã trở nên phức tạp hơn, với mức độ rủi ro cao hơn cho hoạt động báo chí. Ở cả hai nhóm hình thức phổ biến là cản trở quyền thông tin của nhà báo và đe dọa, hành hung nhà báo, số lượng vụ việc ghi nhận được đã tăng lên trong 5 năm qua.
Kết quả này được trình bày tại hội thảo tham vấn “Những nhân tố tác động đến hành vi cản trở tác nghiệp báo chí giai đoạn 2011-2016” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 20/6 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Đồng – chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển cho biết theo kết quả nghiên cứu độc lập của một nhóm nghiên cứu về môi trường tác nghiệp báo chí, nguyên nhân dẫn đến việc các vụ cản trở, đe dọa và hành hung nhà báo tăng lên là do sự gia tăng nhanh chóng số lượng các cơ quan hoạt động báo chí và ẩn phẩm báo chí, đặc biệt ở các cơ quan đang nắm quyền thực thi pháp luật. Điều này đang tạo ra tình trạng lạm dụng quyền lực, không tuân thủ quy trình, đạo đức tác nghiệp báo chí.
Quan ngại về rủi ro ngầm ẩn liên quan đến sự thiếu rõ ràng của pháp luật và môi trường chính trị là thách thức lớn của nhóm nhà báo điều tra, nội chính. Trong số 1.134 phản hồi của nhà báo, phóng viên trong khảo sát, có đến 44% cho biết đã từng bị cản trở tác nghiệp ít nhất 1 lần, trong đó gần 36% đã từng bị cản trở từ 5 lần trở lên.
Xu hướng hành vi cản trở tác nghiệp báo chí trong thời gian tới được cho là môi trường tác nghiệp đang bị thay đổi và chi phối bởi khuôn khổ thể chế và chính sách liên quan đến báo chí truyền thông, các cơ chế bảo vệ quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, xu hướng thị trường thông tin, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ di động, mạng xã hội.
Trước mắt, môi trường tác nghiệp có thể sẽ tiếp tục xấu đi, xét trên mức độ tuân thủ quy trình và đạo đức tác nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra-Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng văn hóa, chuẩn mực và mức độ tuân thủ quy trình, đạo đức tác nghiệp báo chí đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Một số tờ báo đang khai thác lợi thế thông tin vụ án lá cải, một số nhà báo đang hành nghề với sức mạnh của các cơ quan chủ quản.
Tình trạng lạm dụng quyền lực và sử dụng thông tin án của các cơ quan chủ quản để quấy rối doanh nghiệp và các cơ quan địa phương đang tạo ra những ức chế và trở thành nguyên nhân của một số vụ bạo hành nhà báo. Đáng chú ý, một phần không nhỏ các vụ việc có nguyên nhân từ tác nghiệp không đúng quy trình và chuẩn mực của phóng viên.
Ở một khía cạnh khác, ông Minh cho rằng nhóm tác giả cần đặt đối tượng của mình trong nền báo chí Việt Nam, pháp luật Việt Nam mà pháp luật không chỉ dành riêng cho báo chí. Xử lý một nhà báo bị hành hung, người ta xét khía cạnh công dân trước, sau mới đến hoạt động nghề nghiệp.
Ông Minh cho rằng nhiều người chỉ đặt ra vấn đề đối tượng không chịu cung cấp thông tin, trả lời báo chí thì gọi là cản trở mà lại không xét xem đối tượng đó có được giao nhiệm vụ là “người phát ngôn” không.
Thêm vào đó, mỗi cơ quan báo chí đều có tôn chỉ, mục đích riêng nên không sử dụng bài vì lý do không phù hợp tôn chỉ mục đích chưa hẳn đã là cản trở quyền thông tin báo chí. Ông Minh cho rằng sử dụng tác phẩm báo chí là việc của lãnh đạo đơn vị báo chí, do vậy nhiều cơ quan báo chí tự quy định, quy ước hành nghề.
Nhằm cải thiện và hướng tới một môi trường hoạt động báo chí chuyên nghiệp, nâng cao an toàn tác nghiệp cho nhà báo, báo cáo cho rằng để đảm bảo lợi ích công được bảo vệ, cũng như đảm bảo rằng Nhà nước có những kênh thông tin riêng, nhóm nhỏ các cơ quan báo chí nhận được bao cấp của ngân sách nhà nước cần được xác định. Tất cả các cơ quan báo chí còn lại, bao gồm báo ngành cần phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
Đối với tòa soạn và các hoạt động đào tạo phóng viên, cần chuẩn hóa quy trình tác nghiệp, chú trọng đào tạo kỹ năng tác nghiệp an toàn cho phóng viên mới vào nghề, thiết lập mạng lưới đồng nghiệp bảo vệ đồng nghiệp.
Với thực tiễn hơn 30 năm làm báo, nhà báo Thuận Hải của Thời báo Ngân hàng tập trung vào việc nên hạn chế yếu tố tác động tiêu cực, khơi dậy lòng tự trọng nghề báo. Khuyến khích và có cơ chế để công dân, chủ doanh nghiệp và các đối tượng khác trong xã hội có cơ hội được tố cáo, khởi kiện nhà báo hoặc cơ quan báo chí đã đưa tin sai sự thật, không đúng bản chất là thiệt hại về vật chất, tinh thần cho chủ thể bị ảnh hưởng bởi bài báo.
Các tòa soạn phải có giải trình với bạn đọc, cơ quan quản lý báo chí khi đã đăng bài viết về hiện tượng tiêu cực, sau đó lại tự động rút xuống khỏi trang báo, nếu có khiếu nại từ một trong các bên có liên quan…/.
Ý kiến ()