Kỷ niệm 65 năm chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng 7/5/1954- 7/5/2019, điểm lại các phim truyện và phim tài liệu của điện ảnh Việt Nam về đề tài này, trong vòng 5 năm nay, từ sau năm 2014- 2019, chi có một phim tài liệu mới sản xuất “Chuyện những người lính già”- Đạo diễn Dương Ngọc Hòa (Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất – DSF).
Kể từ khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 07/05/1954, khi lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castrie, đến nay, chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi qua 65 năm.
Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castrie.
Đây thật sự là một món nợ lớn không chỉ với những khán giả yêu phim Việt Nam mà còn là món nợ với lịch sử, với những người đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm trước. Mà không chỉ 65 năm, nhớ lại năm 1994, kỷ niệm 40 năm chỉ có một phim Hoa Ban Đỏ, dạng bán tài liệu tập trung khai thác những khoảng lặng chiến tranh, của đạo diễn NSND Bạch Diệp do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất.
Năm 2004, kỷ niệm 50 năm, chỉ có phim truyện “Ký ức Điện Biên” của Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, kể một câu chuyện tình yêu giữa cô y tá Việt Minh với một hàng binh Pháp. Và gần 10 năm sau không có phim nào về chiến dịch Điện Biên Phủ được làm.
Cho tới sau sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 4/10/2013, vị Tướng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, thì những ý tưởng làm phim về chiến dịch này mới bắt đầu “cháy”, và được thực hiện một cách “thần tốc” như chạy đua với thời gian để kịp có những thước phim ý nghĩa nhất công chiếu kịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/2014.
Những bộ phim “thần tốc”
Trong vòng chưa đầy 1 năm, từ tháng 10/2013- 5/2014, thậm chí khi quyết định làm phim chỉ cách ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vài tháng, nhưng một loạt phim truyện nhựa, phim truyền hình, phim tài liệu đã được “thần tốc” thực hiện và công chiếu “nóng hổi”, như hòa vào niềm tự hào “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam.
Bộ phim “Sống cùng lịch sử”.
Đầu tiên là phim truyện điện ảnh “Sống cùng lịch sử”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, bộ phim có kinh phí lớn nhất từ trước tới giờ nhà nước đầu tư sản xuất( 21 tỉ đVN) để kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, được chiếu ra mắt trong tuần lễ phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phim được làm theo phong cách “đồng hiện”, kể câu chuyện từ một chuyến du lịch “phượt” về Điện Biên của nhóm ba bạn trẻ Lâm-Nga-Tùng, họ “tình cờ” lạc vào thời quá khứ, được sống lại những giây phút hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954… Sau đó phim được mang ra chiếu trong các tuần lễ phim kỷ niệm chiến thắng từ 30/4, 7/5, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, hay Quốc khánh 2/9, kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12…
Tiếp sau phim này là bộ phim truyền hình 25 tập “Đường lên Điện Biên”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, phát sóng “giờ vàng phim Việt” trên VTV1 từ 24/4/2014. Phim tái hiện phần nào khúc tráng ca của dân tộc 60 năm trước. Là câu chuyện về một đơn vị Vệ quốc quân từ Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc và chinh chiến khắp các chiến dịch, đến năm 1954, họ được lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng những cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp, thuần hậu, dũng cảm…
Bộ phim “Đường lên Điện Biên”
“Thần tốc” nhất phải kể một nỗ lực và sự nhanh nhạy của đạo diễn Hà Bắc, sau sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã nhanh chóng lên ý tưởng và hoàn thành bộ phim hoạt hình 3D về Đại tướng, mà cũng là về chiến dịch Điện Biên Phủ: “Quyết định lịch sử”, 20 phút. Phim đã tái hiện sinh động về chiến dịch và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Quyết định lịch sử” đã chọn một khoảnh khắc để vẽ lên chân dung toàn diện của Đại tướng, cũng như những hình ảnh chuẩn bị cho chiến dịch như cảnh hy sinh của những người anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót…, phác họa được tầm vóc của một vị Tướng cầm quân, tầm vóc một chiến dịch lịch sử .
Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông được thể hiện lãng mạn mà bi tráng xuyên suốt bộ phim, gợi lại nhiều ký ức của các cựu chiến binh, dân công chiến dịch ngày ấy.
Cảnh phim “Quyết định lịch sử”, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo
Không chỉ “thần tốc” về thời gian mà còn lên sóng nhanh kỷ lục là những phim tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng. Triển lãm “Đông Dương: Miền đất và con người, 1856-1956”, từ 16/10/2013- 1/2014 tại Bảo tàng Quân đội Pháp, là triển lãm thu hút đông đảo người Pháp và khách du lịch quốc tế khi tới thăm Paris.
Triển lãm không chỉ giới thiệu hình ảnh những người lính và sĩ quan viễn chinh, các nhà dân tộc học, địa lí học Pháp, mà cả các chiến binh Đông Dương chiến đấu chống quân Pháp. Cuối cùng, những người lính Việt Minh đã đè bẹp lực lượng Pháp vào tháng 5/1954 trong trận đánh Điện Biên Phủ. Vì sao, sau 60 năm, Điện Biên Phủ vẫn còn được quan tâm đặc biệt như thế?
Từ một số hình ảnh tư liệu của triển lãm, Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự – VTV đã quyết định thực hiện bộ phim “Âm vang Điện Biên Phủ”, phát sóng từ 21/4/2014 trên VTV1, gồm 13 tập, nhằm góp thêm một số lý giải về sự kiện vĩ đại này: Điện Biên Phủ – nhìn từ Paris, Ngọn cờ giải phóng, Những khoảnh khắc hào hùng, Phá thế cờ vây, Bài toán của Tổng tư lệnh, Hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, Xe thồ ra trận, Mở màn chiến dịch, Siết vòng vây lửa, Hồi ức người chiến thắng, Việt Nam – Điện Biên Phủ – Góc nhìn từ phía bên kia và Có một Điện Biên Phủ trong lòng Paris..
Ngoài phim này, VTV1 còn phát sóng bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”, 5 tập, theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch vào tháng 4/2014. Phim được làm với thời gian kỷ lục, và lên sóng VTV1 vào các ngày 1-2-3-5 và 7/5/2014.
Chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX mà gần 6 thập kỷ trôi qua, âm vang Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một dấu ấn đáng tự hào trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Ý nghĩa đó được thể hiện đặc biệt sâu sắc qua 5 tập phim tài liệu.
TFS- Hãng phim truyền hình TP.Hồ Chí Minh, cũng thực hiện bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ – điểm hẹn hòa bình” dài 4 tập, mỗi tập 20 phút của đạo diễn Nguyễn Văn Vinh. Bộ phim cho khán giả truyền hình một cái nhìn tổng quát sau 60 năm về chiến thắng Điện Biên Phủ và khát vọng sống trong hòa bình của nhân dân Việt Nam thông qua các nhân vật là lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh, nhà sử học, cựu chiến binh Việt Nam, Lào và Pháp cùng lãnh đạo và nhân dân tỉnh Điện Biên.
Không chỉ cái nhìn về quá khứ chiến tranh, mà còn có những thước phim về một Điện Biên Phủ sau chiến tranh, với những vết tích chiến tranh để lại. Phim tài liệu “Điện Biên quê tôi” do công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất.
Qua một câu chuyện truyền thống, thông qua dòng tộc Thống lý họ Vừ, một dòng tộc lớn và danh tiếng có nhiều uy quyền của người H’Mông ở Điện Biên Phủ, có tinh thần yêu nước, dũng cảm phá vỡ định kiến của dòng tộc để hòa mình vào dòng chảy cách mạng cũng như sự phát triển của xã hội ngày nay. Bộ phim cũng mang đến cái nhìn mới về cùng đất và con người hôm nay của mảnh đất lịch sử Điện Biên.
Món nợ 65 năm sau
Kể từ sau năm 2014 với hàng loạt phim kỷ niệm 60 năm chiến dịch Điện Biên Phủ được làm một cách “thần tốc” và cũng lên sóng một cách “thần tốc”, thì tính cho đến lần kỷ niệm 65 năm 7/5/2019, chỉ có hai phim tài liệu. Một là “Điện Biên Phủ trong lòng người Nam Bộ” của đạo diễn Cao Nguyên Dũng, Hãng TFS sản xuất, gồm 4 tập, kỷ niệm 64 năm chiến dịch Điện Biên Phủ..
Nội dung phim không chỉ đề cập về chiến thắng lịch sử này, về hình ảnh của một thành phố Điện Biên Phủ hôm nay mà còn khắc họa rõ nét những đóng góp, hy sinh của quân dân Miền Nam trong chiến dịch Điên Biên Phủ lịch sử, cũng như tình cảm của những người con Nam Bộ thành đồng đối với mảnh đất anh hùng này.
Cảnh trong phim “Chuyện những người lính già”.
Và năm nay, kỷ niệm 65 năm là phim “Chuyện những người lính già”- Đạo diễn Dương Ngọc Hòa (Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất – DSF);
“Chuyện những người lính già” kể về hồi ức không thể nào quên của những cựu chiến binh, những người lính can trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm về trước. Là câu chuyện kể của 3 trong số 6 chiến sĩ của chiến trường Điện Biên Phủ được cử về báo công bắt sống tướng De Castries với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954 là Hoàng Đăng Vinh, Bạch Ngọc Giáp và Nguyễn Xuân Mai.
Những thước phim tài liệu mộc mạc, giản dị, từ lời kể của những nhân vật trong phim, người xem hình dung ra được những câu chuyện của mỗi người. Chuyện lấy cục sắt ở lò rèn nhét vào áo cho tăng cân để xin nhập ngũ, chuyện được gặp Bác Hồ, trò chuyện với Bác… và câu chuyện đối diện với tướng De Castries trong căn cứ của quân Pháp tại Điện Biên Phủ…
Tướng De Castries và các sĩ quan cao cấp của Pháp đầu hàng vào ngày 7/5/1954
Chiến tranh, cách mạng, lịch sử… là những đề tài rất quen thuộc nhưng không hề dễ làm. Để vẫn giữ được âm hưởng anh hùng ca, cùng với việc làm mới hoặc kể câu chuyện theo một cách hấp dẫn với người xem không hề đơn giản.. Và để có những bộ phim truyện, những thước phim tài liệu hấp dẫn, sống động, học lịch sử qua phim, thật sự là một thách thức với các nhà làm phim Việt Nam.
Nhưng đó không thể là sự cản trở để từ chối hay bỏ qua mảng đề tài này. Và năm 2020 sang năm, khi Việt Nam có rất nhiều ngày kỷ niệm lớn như 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 45 năm chấm dứt chiến tranh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 130 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9… Hy vọng điện ảnh Việt Nam sẽ có những phim về đề tài này, để trả món nợ./.
Ý kiến ()