Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 09:31 (GMT +7)
Mùa nước nổi – ‘mùa vàng’ miền Tây
Thứ 2, 25/09/2017 | 09:59:00 [GMT +7] A A
Đã mấy năm liên tục, bà con đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) buồn hiu ngồi ngóng con nước lũ tràn về. Năm nay, khi con nước bắt đầu mấp mé bờ ruộng vào cuối tháng 7, rồi con nước tràn lên đồng, niềm vui của người dân đã vỡ òa cùng “tràn” theo dòng nước.
Những chiếc dớn bắt cá trên mặt đồng ruộng mênh mông nước. |
Dòng nước lũ năm nào ngày nay không còn là nỗi lo của người dân, mà nó đã trở thành mùa nước nổi – mùa nước ban tặng cho người dân nơi đây cá tôm, phù sa, sản vật và làm hồi sinh nghề đóng ghe, đan lưới… sau bao năm vắng bóng.
Niềm vui tràn đồng
Thật khó có thể diễn tả hết được niềm vui của những người dân vùng đầu nguồn lũ Đồng Tháp Mười khi chứng kiến dòng nước sông chuyển màu đỏ gạch mấp mé tràn bờ. Đó là dấu hiệu mùa nước nổi đang đến – mùa nước mà họ đã ngóng chờ từ nhiều năm qua.
Chúng tôi lại trở về vùng đầu nguồn lũ ĐBSCL tại Đồng Tháp trong những ngày đầu tháng 8 để có thể phóng tầm mắt ra những cánh đồng mênh mông nước. Ở phía xa, trên mặt nước loang loáng màu ánh bạc, những tấm lưới quây tròn cùng nhấp nhô những dáng người nhỏ bé đang đóng dớn bắt cá theo con nước đầu nguồn chảy về. Mùa nước nổi đã về, mùa sản xuất sau mùa lúa trên vùng châu thổ đã đến.
Chúng tôi theo chân lão nông Nguyễn Văn Nam lênh đênh trên cánh đồng ngập nước ở thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) để đánh bắt cá linh. Chiếc xuồng máy đuôi tôm của ông phát tiếng nổ vọng cả cánh đồng, rẽ nước đưa chúng tôi đến vị trí đóng dớn của ông được đặt từ mấy ngày qua.
Buổi trưa, ánh nắng chiếu chói chang ở trên đầu, lão nông Nguyễn Văn Nam mặc chiếc áo thun xanh đã sờn cũ, làn da ngăm đen, lao mình xuống dòng nước màu đỏ quạnh phù sa để bắt đầu cuộc mưu sinh đầy hi vọng.
Ông vui vẻ cho biết, một chiếc dớn thường có chiều dài 200 m, được đóng cố định bằng 120 cây tràm và tạo thành hình mũi tên hai đầu gọi là mỏ neo. Tại hai đầu mỏ neo, người ta sẽ đặt hai cái đú để dụ cá linh theo dòng nước bơi vào. “Công đoạn dớn cũng kỳ công dữ lắm à. Bủa lưới ra thì mình mới cắm cọc, xây bầu, giăng đú… Nói chung là cá sẽ bám vào lưới và đi theo đó vào bầu, sau đó ra đú. Từ đó mình thu hoạch thôi”, ông Nam tươi cười nói.
Mất hơn 1 tiếng đồng hồ ngụp lặn dưới dòng nước mát lạnh, lão nông Nguyễn Văn Nam cùng con trai đổ từng đợt cá lên trên chiếc xuồng nhỏ. Vừa đổ, ông vừa thuyết minh: “Cá linh cũng có nhiều loại lắm, như cá linh tròn, cá linh rìa, linh cám, linh ống. Một ngày cũng kiếm được 50 – 70 ký cá đủ loại như linh, lòng tong, rô, sặc… Mình phải chịu khó lựa ra, cá linh như linh tròn thì bán được khoảng 60.000 đồng/ký cho thương lái. Còn lại cá tạp thì mình bán tầm 6.000 đồng/ký. Nước càng lên cao, nông dân tụi tui mừng dữ lắm vì cá linh về càng nhiều”.
Lão nông Nguyễn Văn Nam thu hoạch cá linh. |
Chia tay lão nông Nguyễn Văn Nam, chúng tôi mang theo niềm vui, sự hứng khởi của ông về làng nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài, thuộc xã Long Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), nơi nghề đóng xuồng ghe truyền thống có tuổi đời hơn 1 thế kỷ. Khác hẳn với khung cảnh đìu hiu, buồn bã của mùa nước nổi năm trước, không khí tất bật lao động của những người thợ đóng thuyền để kịp đơn hàng đã làm sôi động cả khu vực.
Ông Đỗ Văn Banh với hơn 40 năm trong nghề đóng thuyền, cho biết, làng nghề sản xuất quanh năm, tuy nhiên cao điểm là bắt đầu từ tháng 4 – 5 âm lịch trở đi và kéo dài đến giữa tháng 9, đầu tháng 10. Để chuẩn bị, ngay từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, các cơ sở đã mua cây, mua gỗ, vật liệu sẵn để sản xuất.
Ông Banh cho biết: Xuồng ở rạch Bà Đài được sản xuất theo thị hiếu sử dụng của người trong và ngoài tỉnh với nhiều kiểu dáng như: xuồng cui, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá, xuồng tam bản… Những năm qua, do không có lũ, người dân chỉ sản xuất cầm chừng từ 700 – 1.000 chiếc/vụ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực như Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau…
Năm nay, cơ sở sản xuất của ông ước đoán sẽ cung ứng cho thị trường từ 1.200 – 1.300 chiếc. Mặc dù, nhu cầu tăng nhưng nhìn chung, giá xuồng không có sự biến động nhiều, chỉ dao động từ 400.000 – 1.000.000 đồng/chiếc tùy loại. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, công thợ… chủ cơ sở có lợi nhuận từ 80.000 – 120.000 đồng/chiếc.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Hậu, cho biết làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài đạt danh hiệu làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2005 và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Trước đây, làng nghề này có gần 140 cơ sở, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, trong đó có việc nước lũ không về hoặc về ít nên sức tiêu thụ giảm đáng kể. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn hơn 40 cơ sở đóng, xuồng, ghe còn duy trì hoạt động thường xuyên.
Riêng năm nay, nước về sớm và lớn nên nhu cầu người dân đến mua xuồng tăng. Theo đó, sản lượng xuồng đóng cũng nhiều hơn mọi năm từ 20 – 30%, chủ yếu là xuồng loại nhỏ. Đặc biệt, tín hiệu vui là sau bao năm trầm lắng, làng nghề đã có thêm 5 cơ sở mới. Cùng với các làng nghề đóng xuồng, ghe ở huyện Lai Vung, các cơ sở sản xuất lưới đánh bắt cá thuộc xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cũng tất bật sản xuất để đón mùa nước nổi.
Nối nghiệp truyền thống gia đình, anh Đặng Ngọc Chiến, chủ cơ sở lưới đánh cá Khoa Nhỏ ở xã Long Hưng B, cho biết với hơn 70 nhân công, mỗi ngày cơ sở sản xuất trung bình từ 5.000 – 10.000 chiếc lưới các loại. Vào mùa nước nổi, các đơn đặt hàng cứ theo đó mà tăng, ước tính năm nay tăng 20 – 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Anh Chiến cho biết, giá cả vẫn ổn định, mỗi chiếc lưới từ 50.000 – 180.000 đồng/chiếc, tuỳ theo kích thước và loại hàng. Ngoài ra, xác định gắn bó lâu dài với nghề truyền thống, bà con nơi đây đã đầu tư máy móc để tăng sản lượng, chất lượng.
Ông Lê Văn Đém, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng B, cho biết làng nghề hiện tại có 147 hộ sản xuất quanh năm, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động tại địa phương, nhất là nguồn lao động nhàn rỗi trong mùa nước nổi. Cùng với xã Long Hậu, đây được xem là làng nghề có truyền thống lâu đời và là đầu mối cung cấp lưới, dụng cụ đánh bắt cá có quy mô lớn trong vùng ĐBSCL và các nước như Lào, Campuchia…
Hứa hẹn một mùa vàng bội thu
Đã nhiều năm, miền Tây Nam Bộ mới có con nước nổi đổ về tràn đồng như năm nay, không chỉ mang nguồn tôm cá dồi dào mà còn mang theo lượng phù sa quý giá. Do đó, nhiều nông dân các tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… đang tận dụng cơ hội này, mở đê bao để đưa phù sa vào đồng ruộng. Việc làm này còn giúp thau chua rửa phèn, diệt chuột, sâu bệnh…
Nhắc đến vụ mùa tới, nhiều nhà nông đang khấp khởi hi vọng vụ lúa đông xuân tới sẽ giảm được nhiều chi phí sản xuất và năng suất lúa cao hơn nhờ nguồn dinh dưỡng tự nhiên. Còn bên phía chính quyền, ngành nông nghiệp của các tỉnh đầu nguồn vùng ĐBSCL cũng đang tất bật, chủ động xây dựng lịch thời vụ phù hợp với từng thời điểm nước lên, xuống để giúp bà con xuống giống hiệu quả.
Những người thợ tất bật đóng xuồng ở làng nghề rạch Bà Đài, thuộc xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. |
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết Sở NN&PTNT tỉnh đang nghiên cứu lên lịch thời vụ, thông báo thời điểm xuống giống tới từng địa bàn và hướng dẫn nông dân cách sản xuất. Ngoài ra, để đảm bảo sản xuất an toàn cho bà con nông dân trong mùa nước nổi, ngay từ tháng 7, Sở NN&PTNT tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh đầu nguồn đã chỉ đạo các địa phương trong khu vực dự báo nước về, sẵn sàng phương tiện, gia cố đê bao, chuẩn bị thu hoạch trước nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Có thể nói, mùa nước nổi năm nay không chỉ mang đến niềm vui cho người nông dân mà các chuyên gia về nông nghiệp của vùng ĐBSCL còn hi vọng sẽ giúp vùng ĐBSCL cân bằng lại hệ sinh thái, bồi đắp lại nguồn lợi thủy sản, lượng phù sa đã mất trong thời gian qua; đồng thời sẽ giúp sản xuất nông nghiệp thuận lợi vì sẽ góp phần hạn chế hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng như những năm trước đây.
Ý kiến ()