Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệt (ở ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đang thu hoạch vụ màu dưới ruộng cho biết, vụ mùa này ông trồng toàn bộ giống bí rợ trên diện tích hơn 3 ha. Những dây bí rợ xanh mơn mởn mọc kín mặt rộng, báo hiệu gia đình ông có một vụ mùa thành công.
Người dân huyện Trần Văn Thời trúng vụ màu dưới ruộng
Theo tính toán của lão nông, năm nay có thể thu hoạch được khoảng 20 tấn. Nếu duy trì mức giá hiện tại, gia đình ông Nguyễn Văn Hiệt sẽ thu về không dưới 200 triệu đồng từ vụ màu dưới ruộng.
“Bí năm nay vừa được mùa vừa được giá. Năm ngoái đầu mùa tôi bán 7.000 đồng/kg, hiện đang bán được 11.000 đồng/kg”, ông Hiệt chia sẻ.
Cùng kỳ năm ngoái tình hình hạn hán khắc nghiệt đã làm nhiều diện tích màu dưới ruộng thiệt hại
Cùng kỳ năm ngoái, vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau đang chịu thiệt hại nặng nề do hạn hán khốc liệt. Vụ lúa vốn đã thất bát do thiếu nước ngọt, đến vụ màu dưới ruộng bị ảnh hưởng càng trầm trọng hơn khi kênh mương nội đồng cạn trơ đáy. Nhiều hộ dân xuống giống trễ đã phải chịu thua lỗ. Tuy nhiên, năm nay tình hình vụ mùa rất khả quan. Nơi chịu ảnh hưởng nặng của hạn hán năm trước thuộc xã Trần Hợi, năm nay trúng mùa vượt kỳ vọng.
Hằng năm, cứ sau vụ lúa Đông Xuân, người dân các xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Đông… huyện Trần Văn Thời lại trồng tiếp vụ màu dưới ruộng. Tuy được coi là vụ mùa phụ nhưng vụ màu mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Mô hình khởi phát hơn 10 năm trước nhanh chóng phát triển và hiện được thực hiện phổ biến, giúp người dân vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau ngày càng khá giả.
Vụ màu được mùa được giá giúp người dân có nguồn thu nhập tốt
Anh Nguyễn Văn Hạnh, người dân xã Khánh Bình Đông, cho biết: “Vụ màu lợi nhuận cao gấp 2-3 lần vụ lúa. Một năm làm 3 vụ, hai vụ lúa và 1 vụ màu cũng thuận lợi cho người dân”.
Năm nay lượng mưa lớn, các cơ quan chức năng địa phương cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp ngăn mặn, trữ ngọt sớm nên lượng nước trong vùng ngọt tỉnh Cà Mau còn khá lớn. Qua đó, giúp người dân sản xuất vụ màu hiệu quả. Không chỉ vậy, thực trạng sụt lún đất làm tê liệt nhiều tuyến đường thống giao thông nông thôn năm rồi cũng không lập lại trong vùng ngọt tỉnh Cà Mau./.
Ý kiến ()