Theo kết quả điều tra của Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay dịch bệnh muỗi hành (muỗi phát triển bên trong cây lúa) gây hại trên nhiều tỉnh, thành phố ở ĐBSCL như An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang. Kiên Giang là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 29 ngàn ha lúa đông xuân bị nhiễm dịch bệnh do muỗi hành gây ra. Trong đó Giồng Riềng và Tân Hiệp một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.
Huyện Giồng Riềng có hơn 20 ngàn ha bị ảnh hưởng do muỗi hành, trong đó có khoảng 5.800 ha lúa bị thiệt hại nặng với mức độ gần 70 đến 100% diện tích. Ông Từ Văn Kháng, xã Long Thạnh sản xuất hơn 1ha lúa cho biết: diện tích lúa bị thiệt hại do muỗi hành gây ra từ 60-70% diện tích, có người mất toàn bộ diện tích.
Do ấu trùng của muỗi hành phát triển bên trong thân cây lúa, khi cây lúa đã trổ ra giống cộng hành và phát triển thành dịch người dân mới biết. Cho nên khi dịch bệnh xảy ra rất khó chữa và đa số nông dân không kịp trở tay.
Tiến sỹ Đỗ Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: muỗi hành không gây hại trên người. Muỗi đẻ trứng trên chóp lá lúa, ấu trùng muỗi sẽ chui vào trong thân cây lúa để sinh trưởng, tấn công lúa. Khi lúa phát triển thì chồi lúa cuốn lại như cọng hành nên người ta gọi là dịch bệnh do muỗi hành gây ra. Tiến sỹ Nhựt cho rằng: “Hàng năm, tại Kiên Giang đều có muỗi hành nhưng những năm trước gây hại không đáng kể. Năm nay điều kiện thời tiết phù hợp nên muỗi hành phát triển nhanh, tấn công chủ yếu trên những giống lúa chất lượng cao. Hiện nay, Cục BVTV vẫn chưa tính toán được năng suất lúa bị thiệt hại do muỗi hành gây ra. Khi số chồi này bị tấn công thì dinh dưỡng cây lúa sẽ dồn lên những chồi còn lại nên khi tính toán mức độ thiệt hại thì không phải tính toán trên số chồi bị thiệt hại”.
Để hạn chế dịch hại do muỗi hành gây ra, ngành chuyên môn khuyến cáo, đối với diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch thì không cho gieo sạ lúa hè thu ngay mà phải đợi đến đầu tháng 3 mới được xuống giống nhằm cắt nguồn lây lan dịch bệnh. Trà lúa từ giai đoạn mạ đến đẻ nhánh người dân không để mực nước ruộng quá cao, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu của cây lúa để duy trì nguồn thiên địch của muỗi hành hoặc sử dụng thuốc đặc trị theo nguyên tắc 4 đúng. Đối với những ruộng lúa phát hiện muỗi hành ở giai đoạn làm đòng trở về sau sẽ không phun thuốc vì lúc này thuốc không còn hiệu quả mà tập trung hướng dẫn nông dân tiếp tục chăm sóc những chồi còn lại cho bông tốt, giúp giảm thiệt hại năng suất.
Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ phối hợp với các Sở nông nghiệp để đánh giá lại mức độ sụt giảm về năng suất và có hướng đề xuất giải pháp hỗ trợ nông dân có diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh muỗi hành từ nguồn ngân sách dự phòng của các địa phương./.
Ý kiến ()