Thứ Năm, 28/11/2024 01:55 (GMT +7)

Mỹ gia hạn áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh Việt Nam

Thứ 6, 05/05/2017 | 09:37:00 [GMT +7] A  A

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vừa bỏ phiếu thông qua việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm đối với mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ 4 nước châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Chỉ có tôm xuất khẩu của Brazil đã may mắn vượt qua “cửa ải” này.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy Âu Vững, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu). Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Trong một tuyên bố, ITC xác định rằng việc dỡ bỏ các mức thuế chống bán phá giá với tôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ dẫn tới việc “tiếp tục hoặc tái xảy ra tình trạng thiệt hại đáng kể”.Quyết định của ITC đã gây ra những phản ứng trái chiều. Giám đốc điều hành Liên minh Tôm miền Nam (SSA), ông John Williams đã ca ngợi quyết định của ITC là một tin tốt lành đối với ngành nuôi tôm của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh nếu các nước bị áp thuế chống bán phá giá trên tập trung vào “thương mại công bằng” thì các rào cản trên sẽ được dỡ bỏ. Theo ông, việc Brazil không bị gia hạn áp thuế chống bán phá giá vì quốc gia Nam Mỹ này không xuất khẩu tôm vào Mỹ trong một thời gian rất dài. Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA) David Veal cũng cho biết các doanh nghiệp nuôi tôm của Mỹ mong đợi không phải chịu cảnh “ngoại thương không công bằng” trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, đại diện của các tập đoàn bán buôn lớn của Mỹ như Performance Food Group, Costco và Publix Super Markets, vốn tiêu thụ khoảng 100.000 tấn tôm mỗi năm, cho rằng không nên tiếp tục áp đặt thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh nhập khẩu.

Trước đó, tại phiên điều trần ở thủ đô Washington D.C vào giữa tháng 3 vừa qua, các đại diện của ASPA và các tổ chức khác đã hối thúc ITC tiếp tục duy trì mức thuế chống bán phá giá đối với những nước trên. Họ cho rằng nếu dỡ bỏ thuế chống bán phá giá thì thị trường Mỹ sẽ rơi vào tình cảnh “tràn ngập” tôm nhập ngoại như hồi đầu những năm 2000.

Trong một diễn biến khác, một nhóm nghị sĩ Quốc hội Mỹ gồm các thượng nghị sĩ Diane Feinstein, Patty Murray, Richard Blumenthal, Elizabeth Warren và Hạ nghị sĩ Rosa DeLauro đã gửi thư cho Văn phòng Trách nhiệm giải trình của Chính phủ Mỹ (GAO) để hối thúc cơ quan này điều tra “an toàn thực phẩm và những kẽ hở trong việc giám sát hải sản nhập khẩu tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người dân Mỹ”. Các nghị sĩ này cho biết khoảng 94% hải sản tiêu thụ ở Mỹ được nhập khẩu, khoảng một nửa trong số này được nuôi trồng và có “những vấn đề nghiêm trọng” trong hệ thống giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản nhập khẩu.

TTXVN/Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu