Hồi cuối tháng Bảy vừa qua, sau 4 ngày đàm phán tại Hawaii (Mỹ), đàm phán cấp Bộ trưởng Thương mại về TPP kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng do những tranh cãi liên quan tới lĩnh vực ôtô, các sản phẩm bơ sữa và thời gian giữ độc quyền đối với các loại thuốc thế hệ tiếp theo.
Các nước thuộc Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada và Mexico muốn giữ quy định về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô ở mức 62,5%. Các nước này lo ngại việc hạ tỷ lệ có thể mang lại lợi thế cho các nước chế tạo phụ tùng ôtô ở châu Á nhưng không tham gia TPP như Thái Lan. Liên quan tới sản phẩm bơ sữa, New Zealand tuyên bố chỉ ký kết một thỏa thuận giúp mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường, gây sức ép đối với Mỹ và Canada phải cho phép nhập khẩu nhiều sản phẩm sữa hơn.
Về thời gian độc quyền đối với các loại thuốc thế hệ tiếp theo, Mỹ muốn duy trì thời hạn bảo hộ 12 năm, trong khi Australia cho rằng chỉ cần 5 năm còn Chile không muốn duy trì bảo hộ. Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico nhiều khả năng sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về lĩnh vực ôtô vào tuần sau. Hôm 16/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ lạc quan về khả năng hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm nay.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Ý kiến ()