Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 14:38 (GMT +7)
Nam Cao – người đưa văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 lên đỉnh cao
Thứ 6, 30/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nam Cao (1915 – 2015). Hội thảo có sự góp mặt của các nhà văn trong hội đồng chuyên môn Hội Nhà văn Việt Nam, các giáo sư, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật ở Hà Nội và một số tỉnh thành khu vực phía Bắc.
Nhà văn Nam Cao sinh ngày 29/10/1915, tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là nhà văn hiện thực, có tư tưởng và tâm hồn lớn, có tầm nhìn xa trông rộng và có đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Năm 1951 nhà văn Nam Cao đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Hơn mười năm cầm bút và làm nhiều công việc phục vụ kháng chiến, ông đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ. Các tác phẩm “Chí Phèo”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”, “Mua danh”, “Tư cách mõ”, “Một bữa no”, “Lão Hạc”, “Một đám cưới”, “Giăng sáng”, “Mua nhà”,” Đời thừa”, “Sống mòn”… có sức sống lâu dài, không bao giờ lạc thời. Đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu với nhiều tìm tòi phát hiện mới mẻ về con người và tác phẩm Nam Cao.
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: HN) |
Tại hội thảo, Giáo sự Phong Lê trong tham luận “Nam Cao sống và viết” đã khẳng định: Trong suốt cuộc đời, nhà văn Nam Cao chưa bao giờ được hưởng vinh quang từ tác phẩm của mình, một đời thầm lặng nhưng ông không ngờ rằng chính mình là người đưa văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 lên đỉnh cao.
Cuộc đời và sự nghiệp Nam Cao kết thành một phù điêu lịch sử trong văn chương hiện đại. Giá trị của Nam Cao được khẳng định trước hết qua những truyện ngắn viết về làng quê Việt Nam những năm tiền cách mạng qua một nghệ thuật viết không hề lặp lại dấu ấn của tất cả những bậc tiền bối. Đúng như lời một nhân vật của chính tác giả: Cái nghề văn kỵ nhất là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào.
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá tổng quan qua những tham luận đã được trình bày tại hội thảo: sau trăm năm, Nam Cao còn gì để chúng ta bàn thêm, có gì ảnh hưởng đến công việc của chúng ta hôm nay? Đóng góp của Nam Cao là chữ Thiện, sự tử tế sẽ được giải quyết bằng cách nào, nên hiện nay ông vẫn là người đồng hành, người tiếp năng lượng cho sáng tác của chúng ta.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Việt Trung chia sẻ: một trong những giá trị lớn trong các tác phẩm của Nam Cao mà sau hơn 70 năm trôi qua với biết bao sự kiện quan trọng, bao biến cố, bao đổi thay của đời sống lịch sử và đời sống văn chương nước nhà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí vẫn còn có tính thời sự chính là vấn đề đấu tranh để gìn giữ nhân phẩm con người.
Trong hầu hết các sáng tác của Nam Cao, kể cả khi ông viết về số phận khốn cùng của những người nông dân nghèo túng và đói khát, hay số phận đầy bi kịch của những người trí thức tiểu tư sản, người dân nghèo thành thị túng quẫn, mỏi mòn, bế tắc – thì điều cuối cùng vẫn được toát ra từ trong tác phẩm là vấn đề cứu lấy, giữ lấy và vươn tới cái gọi là nhân phẩm con người. Có lẽ chính vì đã chạm đến cái cơ bản nhất mà văn chương của mọi thời đều hướng tới nên các sáng tác của Nam Cao mới có sức sống lâu bền đến thế, mới có sức ám ảnh dai dẳng đến thế trong trái tim, tâm hồn người đọc thuộc nhiều thế hệ trong suốt thời gian hơn bẩy thập kỷ qua. Điểm nổi bật trong các trang viết của Nam Cao vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống văn học hôm nay đó là nhân phẩm con người. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Việt Trung khẳng định.
(ĐCSVN)
Ý kiến ()